Home Card Đồ Họa GALAX RTX 2080 Ti HOF – Siêu phẩm cực mạnh cho 4K Gaming

GALAX RTX 2080 Ti HOF – Siêu phẩm cực mạnh cho 4K Gaming

by admin

I. Thiết kế:

Mặt trước hộp vẫn là phong cách đóng gói quen thuộc của GALAX đối với các dòng sản phẩm HOF với hình tượng thanh niên game thủ đội áo hoodie trắng kèm theo một số thông tin cơ bản liên quan đến mẫu RTX 2080 Ti HOF nằm ở góc dưới phía trái. Trong đó, GALAX cũng nêu rõ chiếc card này sẽ cần đến 3 đầu nguồn PCIe 8-pin để hoạt động, và đây cũng là một trong những chiếc card RTX 2080 Ti ngốn điện nhất thế giới ít nhất là trên giấy tờ. Vì với 3 đầu nguồn 8-pin thì năng lượng tiêu thụ tối đa của RTX 2080 Ti HOF sẽ lên đến 450W về lý thuyết.

Còn mặt sau là nơi mà GALAX đã trình ra khá nhiều tính năng đi kèm RTX 2080 Ti HOF bao gồm:

  • Bảng thông số HOF Panel 2 trên thân card cho phép người dùng có thể theo dõi các thông tin như nhiệt độ, tốc độ quạt, điện thế cấp, v.v… trực tiếp mà không cần dùng phần mềm.
  • Bộ tản nhiệt được thiết kế mới giúp tăng cường khả năng tản nhiệt và ép xung, bộ giáp tản nhiệt với chất liệu giả gốm mang lại vẻ ngoài sang trọng lộng lẫy.
  • Sử dụng thành phần linh kiện chất lượng cao cấp trên bo mạch PCB được gia công tỉ mỉ đúng chuẩn Galaxy OC của GALAX.
  • Cho phép thay thế khung bảng thông số mặc định sang khung vương miện bề thế dành cho dân chơi.
  • Bộ phần mềm HOF AI chính chủ hỗ trợ ép xung thông minh và điều khiển đèn LED RGB linh hoạt.

Bên cạnh đó, GALAX cũng không quên giới thiệu phần mềm GeForce Experience của NVIDIA với các tính năng game thủ như Highlights, Ansel và Game Ready Drivers đã quá quen thuộc với người dùng sản phẩm card đồ họa NVIDIA lâu năm.

GALAX RTX 2080 Ti HOF – Siêu phẩm cực mạnh cho 4K Gaming

Hộp phụ của RTX 2080 Ti HOF có lối thiết kế khá ấn tượng khi bóc nắp hộp mở ra hai bên. Tuy nhiên, đây chỉ mới là tầng trên cùng của chiếc hộp phụ này mà thôi, phần phụ kiện của RTX 2080 Ti HOF được GALAX đặt ở những tầng tiếp theo.

Ở tầng tiếp theo, bạn sẽ có 3 dây cáp chuyển nguồn từ 2 đầu molex 4-pin sang 1 đầu PCIe 8-pin dành cho card đồ họa và một cặp bao tay chống nhiễm từ khá đẹp với thương hiệu HOF – Hall of Fame của GALAX. Bao tay này khá vừa vặn với bàn tay to của tôi do đó nó sẽ tương thích với nhiều kiểu tay khác nhau.

Tầng áp chót sẽ là nơi chứa 2 phụ kiện khá độc đáo của RTX 2080 Ti HOF bao gồm USB 3.0 với vỏ ngoài là chiếc card đồ họa thu nhỏ và vương miện HOF hỗ trợ LED RGB gắn lên thân card. Chiếc USB 3.0 này đơn thuần chỉ là quà tặng kèm khi mua sản phẩm mà thôi, và dung lượng của nó là 16GB. Một điểm cộng nữa là không như nhiều USB mang tính quảng cáo khác, USB của GALAX có tốc độ khá tốt.

Tầng cuối cùng bạn sẽ có 1 cây trụ đỡ cho card nhãn hiệu HOF hỗ trợ LED RGB cùng bộ đai ốc để lắp vào thùng máy, bên cạnh hai tờ hướng dẫn cách lắp trụ đỡ và vương miện HOF. Tới đây bạn sẽ thấy phần phụ kiện của chiếc card này thiếu một thứ gì đó. Đó chính là dĩa CD cài đặt driver và phần mềm độc quyền. Và theo tôi được biết, GALAX đã không kèm theo phụ kiện này vì theo quan điểm của họ, driver tốt nhất cũng như phần mềm HOF AI đều nằm trên trang chủ, người dùng có thể truy cập và tải về dễ dàng thay vì sử dụng dĩa CD truyền thống. Điều này khá hợp lý khi các khay ổ DVD 5.35′ trên thùng máy tính hiện nay đã gần như tuyệt chủng, cũng như người dùng đã được phổ biến đường truyền Internet tốc độ cao. Do đó, việc đính kèm thêm dĩa CD cài đặt là không cần thiết nếu không muốn nói là thừa thãi, và qua đó GALAX cũng tiết kiệm được phần nào chi phí cho món phụ kiện này.

GALAX RTX 2080 Ti HOF – Siêu phẩm cực mạnh cho 4K Gaming

Mặt trước RTX 2080 Ti HOF được GALAX trang bị bộ giáp tản nhiệt sang trọng và tinh tế với tông trắng xám chủ đạo, cực kỳ phù hợp với các hệ thống máy tính sử dụng linh kiện cùng tông. Hơn nữa, lớp vỏ này dù chỉ là nhựa nhưng được phủ lớp sơn trắng giả gốm càng tăng thêm chất tinh túy cho sản phẩm. Phần logo HOF đặt ở phía trên chếch về bên phải của card có hỗ trợ LED RGB và bạn có thể điều khiển màu thông qua phần mềm HOF AI.

Mặt sau của chiếc card này bạn sẽ có 1 khung backplate bằng kim loại cũng được phủ sơn trắng gốm để đem lại độ toàn vẹn màu sắc cho sản phẩm. Ngoài ra, nó cũng có công dụng tản nhiệt và giúp bảo vệ card không bị cong trong quá trình sử dụng lâu dài. Đây là điều cần thiết đối với một chiếc card đồ họa cao cấp trang bị bộ tản nhiệt khủng và nặng nề như RTX 2080 Ti HOF

RTX 2080 Ti HOF sử dụng hệ thống 3 quạt làm mát 9cm 11 cánh có hỗ trợ công nghệ quạt bán tự động. Theo đó, quạt chỉ quay khi nhiệt độ card đã đạt tầm 65*C để hạn chế độ ồn phát sinh khi sử dụng. Bạn có thể sử dụng phần mềm HOF AI để điều chỉnh tốc độ quạt khi quay tự động ở mức % cố định hoặc theo chế độ Quiet (Yên lặng) hay Performance (Ưu tiên hiệu năng) tùy theo ý muốn.

Sở hữu độ dày khủng lên đến 5.7cm, RTX 2080 Ti HOF nhiều khả năng sẽ chiếm đến 3 slot PCIe trên bo mạch chủ của bạn. Chưa hết, nếu còn gắn thêm cây trụ đỡ, bạn sẽ không thể gắn thêm bất kỳ thiết bị chuẩn PCIe nào lên bo mạch chủ của mình. Phía bên phải đỉnh card như tôi đã có nói ở trên là vị trí đặt bảng thông số HOF Panel cho phép bạn xem thông tin card theo thời gian thực mà không cần dùng phần mềm. Đây là tính năng cực kỳ hữu dụng nếu như bạn sử dụng chiếc card này để ép xung trên benchtable hoặc thùng máy có cạnh bên trong suốt. Vì lúc đó, thông tin báo trên phần mềm có khả năng bị lag hoặc phản hồi trễ trong khi đó, HOF Panel theo dõi thông số card ở cấp phần cứng nên những hiện tượng trên sẽ khó mà xảy ra khi bạn ép xung. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay khung HOF Panel từ mặc định sang vương miện tùy theo sở thích của mình, cần lưu ý là khung vương miện cũng có hỗ trợ LED RGB.

Phần bảng mạch PCB trên đỉnh card chúng ta sẽ có một đầu cắm LED RGB để kết nối với dây LED trên thanh trụ đỡ card, giúp đèn LED RGB trên thanh này lẫn đèn LED mặt sau của card đều đồng bộ màu với nhau.

Nếu để ý hơn, bên cạnh đầu cắm LED RGB bạn sẽ thấy một số lỗ trên bảng mạch. Khu vực đó là nơi bạn sẽ dùng máy đo điện ngoài để đo điện thế trực tiếp của card đồ họa. Tất nhiên, nếu là dân ép xung chuyên nghiệp thì ắt hẳn bạn rất thích điều này.

Với nền tảng Turing, NVIDIA sử dụng chuẩn giao tiếp đa card NVLink thay thế cho SLI trước đây. NVLink sẽ cung cấp băng thông hiệu quả để dựng hình cho các hệ thống đa card ở độ phân giải 8K@60Hz, 4K@120Hz, và một số độ phân giải nặng đô khác. Đây là chuẩn kết nối trực tiếp giữa các card đồ hoạ với nhau, qua đó độ trễ khi truyền tải dữ liệu cũng ít hơn so với giao tiếp PCI Express.

RTX 2080 Ti HOF cần đến 3 đầu cắm nguồn 8 pin để hoạt động, đồng nghĩa với việc tổng điện năng tiêu thụ của chiếc card này trên lý thuyết có thể lên tới 450W. Đây là một con số rất lớn tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận đây là một chiếc card đồ họa cao cấp cũng như được thiết kế dành cho dân chơi máy tính khủng với những bộ nguồn công suất lớn. Vì vậy, chiếc card của GALAX cần 3 đầu nguồn 8-pin cũng không thực sự quá quan trọng với đối tượng người dùng trên. Chưa kể, nếu cần ép xung cao điều kiện bạn cần là phải cung cấp nguồn năng lượng lớn để đáp ứng, và 3 đầu nguồn 8-pin có thể xem là đầy đủ cho mục đích này.

Dàn cổng kết nối của RTX 2080 Ti HOF bao gồm 3 cổng DisplayPort 1.4a, 1 cổng HDMI 2.0b, 1 cổng USB-C VirtualLink dành cho các bộ headset VR cao cấp. NVIDIA đã cập nhật engine hiển thị với vi kiến trúc Turing, giờ đây cổng DisplayPort 1.4a đã hỗ trợ chuẩn hình ảnh gần như không nén Display Stream Compression (DSC) của VESA. Điều này có nghĩa là bạn có thể xuất được từ card đồ hoạ ra màn hình độ phân giải 8K@30Hz thông qua một dây DisplayPort, hoặc 8K@60Hz khi kích hoạt DSC. Ngoài ra, chiếc card này còn có nút bấm HyperBoost cho phép bạn đẩy tốc quạt cực nhanh lên đến 100% hoặc một mức nhất định thiết lập trong phần mềm HOF AI để hạ nhiệt độ card nhanh chóng. Một lần nữa, đây tiếp tục là một tính năng rất hữu ích mà dân chơi ép xung không thể bỏ qua.

Nếu bạn nghĩ rằng con số 1200 USD dành cho mẫu card RTX 2080 Ti phiên bản Founders Edition của NVIDIA là đắt đỏ thì khi nhìn vào 47 triệu đồng cho chiếc card của GALAX, có lẽ bạn sẽ phải bật cười nhưng tại thời điểm viết bài, đó là con số thấp nhất để bạn có thể sở hữu chiếc card RTX 2080 Ti màu trắng độc hiếm này. Dù sao thì những chiếc card RTX 2080 Ti nói chung chưa bao giờ đáp ứng tiêu chí hiệu năng khủng nhưng giá tốt cả, vì thế đừng quá ngạc nhiên khi mẫu HOF của GALAX lại có giá thành thuộc dạng khó với tới như vậy.

Khi nhìn vào bảng so sánh trên, có lẽ bạn sẽ thắc mắc vì sao một chiếc card RTX 2080 Ti được nhà sản xuất tùy biến như HOF lại chỉ có xung nhịp tương đương với phiên bản gốc Founders Edition? Câu trả lời đơn giản là nằm ở khả năng ép xung cùng những tính năng ăn chơi đi kèm theo từ GALAX. Và chúng ta sẽ xem thử những tính năng này cũng như sức mạnh nội tại của RTX 2080 Ti HOF có thực sự xứng đáng với mức giá trên trời kia hay không?

Related Articles

Leave a Comment