Home Đánh Giá Sản PhẩmPhần Cứng Máy TínhBo mạch chủ - Mainboards Đánh Giá: ASRock Z690 Steel Legend – Bo Mạch Chủ Z690 Ngon – Bổ – Giá Hợp Lý

Đánh Giá: ASRock Z690 Steel Legend – Bo Mạch Chủ Z690 Ngon – Bổ – Giá Hợp Lý

by Kiet Nguyen

Như thường lệ, khi mà Intel tung ra một thế hệ chipset mới, ASRock vẫn tiếp tục ra mắt dãy sản phẩm hỗ trợ người dùng. Và cái tên Steel Legend có lẽ không còn quá xa lạ với những ai theo dõi dãi sản phẩm của ASRock trong thời gian gần đây. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về bo mạch chủ Z690 Steel Legend từ nhãn hàng ASRock.

Steel Legend là một dòng sản phẩm bo mạch chủ tầm trung và phổ thông của ASRock, dòng sản phẩm này hướng đến người dùng mong muốn có được một nền tảng phần cứng hiệu suất cao, chi phí đầu tư hợp lý. Z690 Steel Legend dựa trên nền tảng chipset Intel Z690 mới nhất và hỗ trợ cho loạt vi xử lý Intel Core thế hệ thứ 12.

Hướng đến phân khúc tầm trung – phổ thông, Z690 Steel Legend vẫn tương tự như các thế hệ trước, bo mạch chủ này có thiết kế không quá cầu kỳ, nhưng được phối màu nổi bật với các chi tiết màu bạc ánh kim trên nền PCB màu đen.

Như bạn có thể thấy phần cover của chiếc bo mạch chủ này không quá hầm hố, các chi tiết ánh kim nổi bật bao gồm cover cho phần I/O bao phủ 1 phần tản nhiệt VRM, cùng với đó là tản nhiệt cho chipset và hai thanh nhớ M.2. Trên PCB cũng được in các họa tiết camo cùng tông màu với tổng thể của sản phẩm.

Khu vực VRM được trang bị hai phiến tản nhiệt nhôm tạo hình đơn giản, dù chỉ là hai khối nhôm đồng thời hệ thống VRM cũng không quá phức tạp vì thế nó đủ để đảm bảo một mức nhiệt độ khá ổn định cho các MOSFET ngay cả khi ép xung ở điện áp cao. Dĩ nhiên là chúng tôi không khuyến khích bạn thiết lập điện thế quá cao trên bo mạch chủ này.

Phía trên, cover cho cụm I/O cũng phủ lấy một phần của tấm tản nhiệt bên trên. Trên cover này cũng tích hợp ánh sáng RGB phát sáng cho logo chữ S, biểu tượng của dòng Steel Legend.

Với bốn khe cắm bộ nhớ DDR4 giúp tiết kiệm kha khá chi phí so với việc mua bộ nhớ DDR5 vốn đang rất khan hàng cũng như là giá bán cũng đang khá cao. Việc sử dụng DDR4 cũng giúp cho người dùng nâng cấp hệ thống tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ. Bên cạnh đầu cắm 24-pin còn có hai chân cắm RGB header 12v và ARGB header 5v. Ngoài ra là hàng chữ Steel Legend cũng được tích hợp ánh sáng RGB thông qua một số đèn led đặt tại mặt dưới của PCB.

Tiếp theo, chúng ta sẽ đi xuống xem xét phần còn lại của bo mạch chủ bao gồm các khe cắm PCIe, chipset…

Như hình ảnh trên, bạn có thể thấy chipset được tản nhiệt bởi một phiến nhôm kích thước tương đối lớn. Ngay sát bên là thanh tản nhiệt cho khe cắm PCIe 4.0 M.2 thứ 2 và khe cắm này hỗ trợ cả các thanh nhớ M.2 chuẩn 22110.

Cần lưu ý là trên bo mạch chủ này chỉ có khe cắm PCIe đầu tiên dành cho card đồ họa mới được áp dụng chuẩn giao tiếp PCIe Gen5, ngay cả khe cắm M.2 gần CPU cũng chỉ hỗ trợ PCIe Gen4.

Tổng cộng chúng ta sẽ có 1 khe PCIe x16 4.0, 2 khe PCIe x16 màu đen chỉ hoạt động ở PCIe 3.0 x4, 2 khe cắm x1 3.0 và 2 khe cắm M.2 dành cho lưu trữ.

Ngoài ra, Z690 Steel Legend sẽ được bán ra thị trường với hai phiên bản, một sẽ đi kèm sẳn kết nối Wi-Fi 6E, một không bao gồm kết nối Wi-Fi 6E và sẽ có giá thấp hơn 1 ít. Nhưng ASRock vẫn trang bị cho phiên bản thường một khe cắm M.2 Key E dành cho những ai có nhu cầu lắp thêm card kết nối M.2 Wi-Fi có sẳn hoặc tự trang bị riêng.

Để mang đến sự thuận tiện cho người dùng, ngay tại I/O phía sau thì ASRock cũng trang bị sẳn hai vị trí bắt an-ten Wi-Fi cho người dùng.

Dù có mức giá rẻ, nhưng Z690 Steel Legend vẫn được trang bị chip điều khiển mạng Ethernet 2.5G tốc độ cao từ Realtek RTL8125BG.

Chipset điều khiển âm thanh Realtek ALC897 thông dụng trên các bo mạch chủ cấp phổ thông nhưng đủ để đáp ứng các nhu cầu giải trí cho phân khúc này.

Là một nền tảng hoàn toàn mới, vẫn chúng tôi vẫn chưa có nhiều thời gian để trải nghiệm hết những gì mà dòng vi xử lý Core thế hệ thứ 12 mang lại, đặc biệt là với kiến trúc hybrid với hai cụm lõi P-Core và E-Core.

Trong bài đánh giá này chúng tôi sẽ chỉ lướt sơ qua về hiệu suất tổng thể của bo mạch chủ ASRock Z690 Steel Legend. Sau vài ngày thử nghiệm, hệ thống BIOS trên dòng Z690 đã có một số thay đổi do những thay đổi về CPU của Intel đặc biệt là đường cấp điện CPU V/F Curve (Volt – Frequency), vì thế để có thể đạt được mức tối ưu cho hệ thống khi ở trạng thái ép xung, bạn cần bỏ thêm một ít thời gian để tìm hiểu về cách thức hoạt động của các thiết lập này.

Với Z690 Steel Legend, thử ép xung bộ xử lý Intel Core i7-12700K ở mức 4.9GHZ. Hệ thống VRM dù không quá mạnh mẽ nhưng nó vẫn đảm bảo một nguồn điện ổn định cho CPU và dĩ nhiên khi bạn lựa chọn sử dụng tản nhiệt chất lỏng cho CPU, khi ép xung hoặc chạy thông thường thì lời khuyên từ chúng tôi là bạn vẫn nên trang bị cho chúng một chiếc quạt be bé để giữ cho mọi thứ được ổn định và bền bỉ hơn.

Lời Kết:

Nhìn chung, nếu bạn là một người dùng muốn nâng cấp lên để trải nghiệm nền tảng phần cứng thế hệ mới nhưng vẫn muốn tiếp tục sử dụng những thành phần cũ như RAM DDR4, hay người dùng mong muốn có được một nền tảng vừa tầm tiền thì ASRock Z690 Steel Legend là một chiếc bo mạch chủ đáng để cân nhắc. Nó không chỉ có thiết kế hợp mắt, mà mọi thứ được trang bị cũng vừa đủ để mang đến cho bạn những trải nghiệm tốt.

Hiện tại bo mạch chủ ASRock Z690 Steel Legend đang được bán ra thị trường với hai phiên bản gồm một phiên bản tích hợp sẳn Wi-Fi 6E có giá tham khảo vào khoảng 7,5 triệu đồng và một phiên bản không đi kèm Wi-Fi 6E có giá tham khảo khoảng 6,9 triệu đồng.

recommended by techflow

Related Articles

Leave a Comment