Radeon RX 6500 XT là một phiên bản GPU được AMD xây dựng dành cho phân khúc tầm trung – phổ thông, phân khúc chủ đạo với những yêu cầu cao về hiệu suất cũng như là chi phí đầu tư cũng phải thật hợp lý. GPU này vẫn được xây dựng dựa trên kiến trúc RDNA 2 và có thể được xem như là một phiên bản để bàn được AMD đóng gói lại dựa trên phiên bản mobile đã được ra mắt không lâu.
Nhìn vào thị trường mà AMD hướng tới cho GPU này có thể dễ dành nhận thấy Radeon RX 6500 XT sẽ có hiệu suất không quá mạnh mẽ như dòng RX 6600 mặc dù nó vẫn mang đầy đủ các tính năng của kiến trúc RDNA 2 bao gồm cả tính năng dò tia (ray-tracing) và truy xuất bộ nhớ thông minh (Smart Access Memory). Về cấu hình, Radeon RX 6500 XT có 16CU (compute unit) với 1024 bộ xử lý luồng (stream processors) và 16 bộ gia tốc dò tia. Đi kèm với GPU này là bộ nhớ VRAM GDDR6 4GB cho băng thông khoảng 231 GB/s trên giao diện 64-bit.
Để bù vào những thiết sót trong cấu hình, AMD đã trang bị cho GPU những tính năng hỗ trợ để mang đến độ ổn định trong các tựa game đời mới hiện nay như FidelityFX Super Resolution (FSR), một thuật toán có khả năng mang đến hiệu suất cao hơn bằng cách giảm độ phân giải hiển thị tạm thời sau đó sử dụng một thuật toán để điều chỉnh tỉ lệ trở lại độ phân giải gốc mà không làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hình ảnh. Đây là một tính năng khá hữu ích khi bật tính năng ray-tracing trong các tựa game thế hệ mới.
Và trong bài trải nghiệm nhanh này, chúng tôi đã sử dụng card đồ họa RX6500XT Phantom Gaming D đến từ ASRock. Vì thế trước khi tiến hành trải nghiệm hiệu suất của GPU này, chúng ta hãy cùng nhìn sơ qua thiết kế của chiếc card đồ họa này.
Là một phiên bản phân khúc chủ đạo vì vậy Radeon RX 6500 XT nguyên bản được AMD xây dựng trên một tấm mạch PCB ngắn với 1 quạt phù hợp với hầu hết mọi thể thức từ ITX cho đến ATX. Tuy nhiên, với phiên bản Phantom Gaming thì dù PCB vẫn sử dụng nguyên bản tham chiếu từ AMD nhưng được ASRock trang bị thiết kế 2 quạt làm mát.
Hai quạt làm mát hướng trục hiệu suất cao cùng với thiết kế đường gân nổi trên cánh quạt mà ASRock gọi là Striple Axial Fan cho phép tối ưu luồng không khí để tối đa hóa khả năng làm mát. Bên ngoài là một bộ ốp nhựa thiết kế tinh tế và không quá nổi bật.
Một điểm khá lạ là ASRock RX 6500 XT Phantom Gaming D lại cần đến một đầu PCIe 8-pin để cấp nguồn cho một sản phẩm tầm trung – phổ thông khi mà GPU này chỉ vận hành tối đa chưa đến 90W. Bên cạnh trên chúng ta có tên thương hiệu, nhãn hàng sản phẩm và cần lưu ý là sẽ không có bất kỳ ánh sáng RGB nào trên card đồ họa này.
Phía sau card có vẻ như được ASRock trao chuốt nhiều hơn với tấm backplate kim loại mang giao diện Phantom Gaming của ASRock. Tấm backplate này không chỉ để trang trí mà còn tăng cường hiệu quả tản nhiệt cho card.
Về xuất hình, với một cổng HDMI và một cổng DisplayPort thực sự là quá đủ cho một card đồ họa ở phân khúc này.
ASRock RX 6500 XT Phantom Gaming nói riêng cũng như GPU AMD Radeon RX 6500 XT nói chung được thiết kế để đáp ứng các tiêu chí chơi game ở độ phân giải 1080p. Và cần lưu ý là nó cũng không được thiết kế để chơi game chất lượng cao nhất tại độ phân giải này. Thậm chí trong một số tự game chúng tôi thử nghiệm qua cũng cần phải giảm thiết lập tại mức high hoặc trung bình để đạt được tốc độ gần 60 khung hình giây
Với những tựa game như GTA V, Far Cry New Dawn, Assasin’s Creed Valhalla, với thiết lập chất lượng đồ họa High, tốc độ khung hình có thể đạt trung bình 55-60fps.
Về nhiệt độ, do thiết lập hệ thống trên benchtable, chúng tôi đã thử vận hành ở hai mức nhiệt độ phòng khi không có máy lạnh và có máy lạnh. Với nhiệt độ phòng bình thường, nhiệt độ khi chơi game có thể lên đến hơn 80 độ. Nhưng khi ở môi trường mát mẻ của phòng lạnh, nhiệt độ GPU đo được chỉ rơi vào khoảng 56-57 độ.
AMD Radeon RX 6500 XT đã làm tốt công việc của mình khi mang đến cho game thủ phổ thông một hệ thống đủ sức để trải nghiệm những tựa game mới nhất ở độ phân giải 1080p. Dĩ nhiên là với thông số và mức giá bán có thể biết được phân khúc thị trường mà sản phẩm này hướng đến. Vì vậy đừng đòi hỏi bạn sẽ nhận được chất lượng hình ảnh siêu mượt mà ở mức thiết lập đồ họa cao nhất. Mà thay vào đó hãy giảm độ chi tiết của đồ họa xuống mức thấp hơn để có những trải nghiệm chơi game tốt ở tốc độ trung bình 60 khung hình giây. Đây mới là mục tiêu mà AMD Radeon RX 6500 XT hướng tới.