GALAX RTX 2080 Ti HOF – Siêu phẩm cực mạnh cho 4K Gaming

I. Thiết kế:

Mặt trước hộp vẫn là phong cách đóng gói quen thuộc của GALAX đối với các dòng sản phẩm HOF với hình tượng thanh niên game thủ đội áo hoodie trắng kèm theo một số thông tin cơ bản liên quan đến mẫu RTX 2080 Ti HOF nằm ở góc dưới phía trái. Trong đó, GALAX cũng nêu rõ chiếc card này sẽ cần đến 3 đầu nguồn PCIe 8-pin để hoạt động, và đây cũng là một trong những chiếc card RTX 2080 Ti ngốn điện nhất thế giới ít nhất là trên giấy tờ. Vì với 3 đầu nguồn 8-pin thì năng lượng tiêu thụ tối đa của RTX 2080 Ti HOF sẽ lên đến 450W về lý thuyết.

Còn mặt sau là nơi mà GALAX đã trình ra khá nhiều tính năng đi kèm RTX 2080 Ti HOF bao gồm:

  • Bảng thông số HOF Panel 2 trên thân card cho phép người dùng có thể theo dõi các thông tin như nhiệt độ, tốc độ quạt, điện thế cấp, v.v… trực tiếp mà không cần dùng phần mềm.
  • Bộ tản nhiệt được thiết kế mới giúp tăng cường khả năng tản nhiệt và ép xung, bộ giáp tản nhiệt với chất liệu giả gốm mang lại vẻ ngoài sang trọng lộng lẫy.
  • Sử dụng thành phần linh kiện chất lượng cao cấp trên bo mạch PCB được gia công tỉ mỉ đúng chuẩn Galaxy OC của GALAX.
  • Cho phép thay thế khung bảng thông số mặc định sang khung vương miện bề thế dành cho dân chơi.
  • Bộ phần mềm HOF AI chính chủ hỗ trợ ép xung thông minh và điều khiển đèn LED RGB linh hoạt.

Bên cạnh đó, GALAX cũng không quên giới thiệu phần mềm GeForce Experience của NVIDIA với các tính năng game thủ như Highlights, Ansel và Game Ready Drivers đã quá quen thuộc với người dùng sản phẩm card đồ họa NVIDIA lâu năm.

Hộp phụ của RTX 2080 Ti HOF có lối thiết kế khá ấn tượng khi bóc nắp hộp mở ra hai bên. Tuy nhiên, đây chỉ mới là tầng trên cùng của chiếc hộp phụ này mà thôi, phần phụ kiện của RTX 2080 Ti HOF được GALAX đặt ở những tầng tiếp theo.

Ở tầng tiếp theo, bạn sẽ có 3 dây cáp chuyển nguồn từ 2 đầu molex 4-pin sang 1 đầu PCIe 8-pin dành cho card đồ họa và một cặp bao tay chống nhiễm từ khá đẹp với thương hiệu HOF – Hall of Fame của GALAX. Bao tay này khá vừa vặn với bàn tay to của tôi do đó nó sẽ tương thích với nhiều kiểu tay khác nhau.

Tầng áp chót sẽ là nơi chứa 2 phụ kiện khá độc đáo của RTX 2080 Ti HOF bao gồm USB 3.0 với vỏ ngoài là chiếc card đồ họa thu nhỏ và vương miện HOF hỗ trợ LED RGB gắn lên thân card. Chiếc USB 3.0 này đơn thuần chỉ là quà tặng kèm khi mua sản phẩm mà thôi, và dung lượng của nó là 16GB. Một điểm cộng nữa là không như nhiều USB mang tính quảng cáo khác, USB của GALAX có tốc độ khá tốt.

Tầng cuối cùng bạn sẽ có 1 cây trụ đỡ cho card nhãn hiệu HOF hỗ trợ LED RGB cùng bộ đai ốc để lắp vào thùng máy, bên cạnh hai tờ hướng dẫn cách lắp trụ đỡ và vương miện HOF. Tới đây bạn sẽ thấy phần phụ kiện của chiếc card này thiếu một thứ gì đó. Đó chính là dĩa CD cài đặt driver và phần mềm độc quyền. Và theo tôi được biết, GALAX đã không kèm theo phụ kiện này vì theo quan điểm của họ, driver tốt nhất cũng như phần mềm HOF AI đều nằm trên trang chủ, người dùng có thể truy cập và tải về dễ dàng thay vì sử dụng dĩa CD truyền thống. Điều này khá hợp lý khi các khay ổ DVD 5.35′ trên thùng máy tính hiện nay đã gần như tuyệt chủng, cũng như người dùng đã được phổ biến đường truyền Internet tốc độ cao. Do đó, việc đính kèm thêm dĩa CD cài đặt là không cần thiết nếu không muốn nói là thừa thãi, và qua đó GALAX cũng tiết kiệm được phần nào chi phí cho món phụ kiện này.

Mặt trước RTX 2080 Ti HOF được GALAX trang bị bộ giáp tản nhiệt sang trọng và tinh tế với tông trắng xám chủ đạo, cực kỳ phù hợp với các hệ thống máy tính sử dụng linh kiện cùng tông. Hơn nữa, lớp vỏ này dù chỉ là nhựa nhưng được phủ lớp sơn trắng giả gốm càng tăng thêm chất tinh túy cho sản phẩm. Phần logo HOF đặt ở phía trên chếch về bên phải của card có hỗ trợ LED RGB và bạn có thể điều khiển màu thông qua phần mềm HOF AI.

Mặt sau của chiếc card này bạn sẽ có 1 khung backplate bằng kim loại cũng được phủ sơn trắng gốm để đem lại độ toàn vẹn màu sắc cho sản phẩm. Ngoài ra, nó cũng có công dụng tản nhiệt và giúp bảo vệ card không bị cong trong quá trình sử dụng lâu dài. Đây là điều cần thiết đối với một chiếc card đồ họa cao cấp trang bị bộ tản nhiệt khủng và nặng nề như RTX 2080 Ti HOF

RTX 2080 Ti HOF sử dụng hệ thống 3 quạt làm mát 9cm 11 cánh có hỗ trợ công nghệ quạt bán tự động. Theo đó, quạt chỉ quay khi nhiệt độ card đã đạt tầm 65*C để hạn chế độ ồn phát sinh khi sử dụng. Bạn có thể sử dụng phần mềm HOF AI để điều chỉnh tốc độ quạt khi quay tự động ở mức % cố định hoặc theo chế độ Quiet (Yên lặng) hay Performance (Ưu tiên hiệu năng) tùy theo ý muốn.

Sở hữu độ dày khủng lên đến 5.7cm, RTX 2080 Ti HOF nhiều khả năng sẽ chiếm đến 3 slot PCIe trên bo mạch chủ của bạn. Chưa hết, nếu còn gắn thêm cây trụ đỡ, bạn sẽ không thể gắn thêm bất kỳ thiết bị chuẩn PCIe nào lên bo mạch chủ của mình. Phía bên phải đỉnh card như tôi đã có nói ở trên là vị trí đặt bảng thông số HOF Panel cho phép bạn xem thông tin card theo thời gian thực mà không cần dùng phần mềm. Đây là tính năng cực kỳ hữu dụng nếu như bạn sử dụng chiếc card này để ép xung trên benchtable hoặc thùng máy có cạnh bên trong suốt. Vì lúc đó, thông tin báo trên phần mềm có khả năng bị lag hoặc phản hồi trễ trong khi đó, HOF Panel theo dõi thông số card ở cấp phần cứng nên những hiện tượng trên sẽ khó mà xảy ra khi bạn ép xung. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay khung HOF Panel từ mặc định sang vương miện tùy theo sở thích của mình, cần lưu ý là khung vương miện cũng có hỗ trợ LED RGB.

Phần bảng mạch PCB trên đỉnh card chúng ta sẽ có một đầu cắm LED RGB để kết nối với dây LED trên thanh trụ đỡ card, giúp đèn LED RGB trên thanh này lẫn đèn LED mặt sau của card đều đồng bộ màu với nhau.

Nếu để ý hơn, bên cạnh đầu cắm LED RGB bạn sẽ thấy một số lỗ trên bảng mạch. Khu vực đó là nơi bạn sẽ dùng máy đo điện ngoài để đo điện thế trực tiếp của card đồ họa. Tất nhiên, nếu là dân ép xung chuyên nghiệp thì ắt hẳn bạn rất thích điều này.

Với nền tảng Turing, NVIDIA sử dụng chuẩn giao tiếp đa card NVLink thay thế cho SLI trước đây. NVLink sẽ cung cấp băng thông hiệu quả để dựng hình cho các hệ thống đa card ở độ phân giải 8K@60Hz, 4K@120Hz, và một số độ phân giải nặng đô khác. Đây là chuẩn kết nối trực tiếp giữa các card đồ hoạ với nhau, qua đó độ trễ khi truyền tải dữ liệu cũng ít hơn so với giao tiếp PCI Express.

RTX 2080 Ti HOF cần đến 3 đầu cắm nguồn 8 pin để hoạt động, đồng nghĩa với việc tổng điện năng tiêu thụ của chiếc card này trên lý thuyết có thể lên tới 450W. Đây là một con số rất lớn tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận đây là một chiếc card đồ họa cao cấp cũng như được thiết kế dành cho dân chơi máy tính khủng với những bộ nguồn công suất lớn. Vì vậy, chiếc card của GALAX cần 3 đầu nguồn 8-pin cũng không thực sự quá quan trọng với đối tượng người dùng trên. Chưa kể, nếu cần ép xung cao điều kiện bạn cần là phải cung cấp nguồn năng lượng lớn để đáp ứng, và 3 đầu nguồn 8-pin có thể xem là đầy đủ cho mục đích này.

Dàn cổng kết nối của RTX 2080 Ti HOF bao gồm 3 cổng DisplayPort 1.4a, 1 cổng HDMI 2.0b, 1 cổng USB-C VirtualLink dành cho các bộ headset VR cao cấp. NVIDIA đã cập nhật engine hiển thị với vi kiến trúc Turing, giờ đây cổng DisplayPort 1.4a đã hỗ trợ chuẩn hình ảnh gần như không nén Display Stream Compression (DSC) của VESA. Điều này có nghĩa là bạn có thể xuất được từ card đồ hoạ ra màn hình độ phân giải 8K@30Hz thông qua một dây DisplayPort, hoặc 8K@60Hz khi kích hoạt DSC. Ngoài ra, chiếc card này còn có nút bấm HyperBoost cho phép bạn đẩy tốc quạt cực nhanh lên đến 100% hoặc một mức nhất định thiết lập trong phần mềm HOF AI để hạ nhiệt độ card nhanh chóng. Một lần nữa, đây tiếp tục là một tính năng rất hữu ích mà dân chơi ép xung không thể bỏ qua.

Nếu bạn nghĩ rằng con số 1200 USD dành cho mẫu card RTX 2080 Ti phiên bản Founders Edition của NVIDIA là đắt đỏ thì khi nhìn vào 47 triệu đồng cho chiếc card của GALAX, có lẽ bạn sẽ phải bật cười nhưng tại thời điểm viết bài, đó là con số thấp nhất để bạn có thể sở hữu chiếc card RTX 2080 Ti màu trắng độc hiếm này. Dù sao thì những chiếc card RTX 2080 Ti nói chung chưa bao giờ đáp ứng tiêu chí hiệu năng khủng nhưng giá tốt cả, vì thế đừng quá ngạc nhiên khi mẫu HOF của GALAX lại có giá thành thuộc dạng khó với tới như vậy.

Khi nhìn vào bảng so sánh trên, có lẽ bạn sẽ thắc mắc vì sao một chiếc card RTX 2080 Ti được nhà sản xuất tùy biến như HOF lại chỉ có xung nhịp tương đương với phiên bản gốc Founders Edition? Câu trả lời đơn giản là nằm ở khả năng ép xung cùng những tính năng ăn chơi đi kèm theo từ GALAX. Và chúng ta sẽ xem thử những tính năng này cũng như sức mạnh nội tại của RTX 2080 Ti HOF có thực sự xứng đáng với mức giá trên trời kia hay không?

II – Phần mềm HOF AI

Bất kỳ nhà sản xuất card đồ họa nào cũng có bộ phần mềm điều khiển đặc thù dành riêng cho sản phẩm của mình. Tất nhiên GALAX cũng không là ngoại lệ khi trước đây họ đã từng trình làng ứng dụng Xtreme Tuner và Tuner Plus hỗ trợ các thế hệ card đồ họa từ thời series GTX 700 cho đến hiện nay. Tuy nhiên, đặc biệt ở riêng dòng HOF cao cấp nhất, GALAX đã chuyển sang hẳn bộ phần mềm mới mang tên HOF AI Suite hay gọi tắt HOF AI. Ngoài những tính năng quan trọng được kế thừa từ Xtreme Tuner Plus như điều chỉnh điện thế, xung nhịp, tốc độ quạt, HOF AI còn có thêm các tính năng khác như điều khiển đèn LED RGB, thiết lập tốc độ quạt cố định khi sử dụng chức năng HyperBoost hay điều chỉnh tốc độ quạt theo profile định sẵn hoặc tùy biến, v.v…

Đây là giao diện chính khi mở HOF AI. Thẻ đầu tiên không thể thiếu đó là OC. Tại đây, bạn có thể điều chỉnh các thông số liên quan tới card đồ họa như xung nhịp nhân, bộ nhớ, điện thế cấp cho nhân và bộ nhớ cũng như cặp thông số Power Limit (Khóa giới hạn công suất card) và Temperature Target (Nhiệt độ mục tiêu) tỷ lệ thuận/nghịch hoặc tùy biến theo ý thích. Bên trái và bên phải lần lượt là thông số xung nhịp nhân và bộ nhớ được hiển thị trên bảng thông báo trạng thái lấy cảm hứng từ bảng đồng hồ trên xe hơi khá độc đáo. Ngoài ra bạn cũng thể xem được nhiệt độ nhân và tốc độ quạt khá trực quan vì chúng đều nằm dưới 2 bảng thông số kể trên.

Tiếp theo là thẻ RGB, bạn sẽ được tự do điều chỉnh màu cũng như hiệu ứng đèn LED RGB trên chiếc card của mình. Tiếc rằng HOF AI phiên bản tại thời điểm viết bài chỉ hỗ trợ có 4 hiệu ứng cơ bản là Tĩnh (Static), Nhấp nháy theo nhịp (Breathing), Cầu vồng (Rainbow) và Nhấp nháy theo nhịp chuyển màu theo dải (Cycle Breathing). Ở đây HOF AI có chức năng Link mà theo lý thuyết nó sẽ giúp các đèn LED trên card đồ họa đều đồng bộ nhau về màu lẫn hiệu ứng. Tuy nhiên, chức năng đồng bộ hệ thống đèn LED RGB của RTX 2080 Ti HOF chưa được phần mềm hỗ trợ đầy đủ. Đây là thiếu sót của Galax cho chiêc card khủng này.

Chuyển qua thẻ HOF AI. Tại đây chúng ta sẽ có đến 4 mục con bao gồm HyperBoost, Intelligent, Temperature Priority và AI Temperature Sensor. Để can thiệp vào mục HyperBoost, bạn phải nhấn vào nút HyperBoost trên card và khởi động lại HOF AI, sau đó bạn có thể điều chỉnh tốc độ quạt cố định mỗi khi nhấn nút HyperBoost. Mặc định ứng dụng luôn thiết lập 100% tuy nhiên nếu cảm thấy khó chịu về độ ồn bạn vẫn có thể hạ % xuống một cách thoải mái. Ví dụ như trên hình tôi đang thiết lập HyperBoost ở mức 70%. Nhưng như thế, chức năng HyperBoost sẽ không còn mang ý nghĩa như trước vì chức năng của nó là làm mát card càng nhanh càng tốt bằng tốc độ quạt 100%.

Chuyển sang Intelligent, để điều chỉnh các chức năng trong mục này bạn cần phải tắt nút HyperBoost nếu như đang kích hoạt trên thân card. Mục Intelligent cho phép bạn thiết lập tốc độ quạt chạy tự động theo 2 profile sẵn có là Quiet (Yên lặng) và Performance (Ưu tiên hiệu năng). Theo đó, Quiet sẽ giúp chiếc card hoạt động yên lặng nhất có thể thậm chí là khi tải nặng, trong khi đó Performance có công dụng hoàn toàn ngược lại với Quiet với mục tiêu làm mát chiếc card hết mức có thể, kể cả khi đang ở trạng thái nghỉ. Nếu như không thích 2 profile trên, Intelligent vẫn còn mục Cus tom cho bạn chọn lựa. Trong phần Cus tom, Intelligent cũng chia ra thành 3 mốc Quiet – Default (Mặc định) – Performance. Với mốc Default, tốc độ quạt sẽ cân bằng hơn để đảm bảo card hoạt động không quá nóng cũng như độ ồn phát sinh không quá lớn để gây khó chịu. Theo tôi đây chính là mốc bạn nên dùng cho RTX 2080 Ti HOF vì với hệ thống 3 quạt 9cm 11 cánh của chiếc card này khi hoạt động chắc chắn sẽ tạo ra độ ồn không nhỏ nếu để chế độ Performance, và khó đảm bảo hiệu năng khi để chế độ Quiet.

Còn 2 mục cuối Temperature Priority và AI Temperature Sensor thì tôi không có nhiều điều để nói vì cái tên đầu không rõ vì lý do nào đó, khi tôi chọn vào biểu tượng của mục này thì phần mềm không trả về bất cứ thông tin gì. Do đó tôi vẫn chưa rõ mục này có công dụng gì, trong khi đó AI Temperature Sensor theo tôi được biết nó có tác dụng cảnh báo đến người dùng về trạng thái nhiệt độ của 2 thành phần bộ nhớ và MOSFET của card đồ họa. Và hiện tại phần mềm đang báo lại màu xanh lá cho biết 2 linh kiện kể trên đang hoạt động với nhiệt độ bình thường.

Và đây là mục có lẽ người dùng RTX 2080 Ti HOF sẽ thao tác khá thường xuyên. Panel cho phép bạn thay đổi khá nhiều thông số card hiển thị trên HOF Panel bao gồm:

  • Độ sáng của Panel
  • Thời gian cập nhật thông số tính bằng giây
  • Logo HOF
  • Graphics Card INFO bao gồm tên model và phiên bản BIOS card
  • GPU Sensor bao gồm xung nhịp nhân/bộ nhớ, nhiệt độ, tốc độ vòng quay quạt và điện thế cấp
  • Cus tom Text hiển thị cụm từ do người dùng tùy ý thiết lập

Ngoài ra, bạn có thể điều chỉnh font chữ cỡ lớn hoặc nhỏ cho Cus tom Text thậm chí là hiển thị đến 4 Cus tom Text qua việc tùy chọn số lượng Screen. Trong trường hợp này là đang để Cus tom Text là ARBITER-HD font chữ lớn. Hơn nữa, bạn cũng có thể thêm vào hình ảnh để hiển thị trên HOF Panel, tuy nhiên hình ảnh của bạn phải định dạng theo chuẩn Monochrome Bitmap. Nói cách khác, nếu bạn từng nhìn thấy hình ảnh hiển thị trên máy chơi game Nintendo Gameboy của ngày xưa thì cách hiển thị của hình ảnh Monochrome Bitmap cũng tương tự như vậy trên HOF Panel. Cuối cùng, nếu không thích logo mặc định của HOF cũng như màu nền trắng xanh của Panel, bạn có thể chuyển sang sử dụng logo thứ 2 cũng như đổi màu nền Panel sang màu khác ví dụ như màu đỏ đang chuyển ở đây.

Cuối cùng là thẻ Fan. Đây là nơi bạn sẽ thiết lập tốc độ của 2 quạt phía trái và phải của card chạy theo tốc độ vòng quay độc lập thay vì đồng bộ như bên thẻ HOF AI. Ở đây thực sự chưa rõ ý đồ của GALAX khi cho phép người dùng điều khiển quạt kiểu này. Có thể chức năng này sẽ hữu dụng với dân ép xung hơn là người dùng thông thường.

Cũng như mọi phần mềm điều khiển card đồ họa khác, HOF AI Suite cũng có trình theo dõi các thông số nhiệt độ, xung nhịp theo thời gian thực bằng biểu đồ. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ ít khi nào phải dùng đến chức năng khi mà HOF Panel cũng tác dụng tương tự nhưng trực quan hơn rất nhiều.

III – Hệ thống thử nghiệm, các thiết lập game, trình benchmark và kết quả:

Để biết được sức mạnh của RTX 2080 Ti HOF như thế nào, sẽ dùng các mẫu card trong dòng GTX như 1060 6GB, 1070 Ti, 1080, 1080 Ti bên cạnh các đại diện của dòng RTX là 2060, 2070, 2080 cũng như nhân tố mới GTX 1660 Ti để làm phép thử so sánh. Lưu ý là những chiếc card được đem ra so sánh với RTX 2080 Ti HOF đều là phiên bản gốc Founders Edition và bản GTX 1660 Ti có xung nhịp theo mẫu tham khảo từ NVIDIA.

Ở các bài test đồ họa đơn thuần như 3DMark hay Superposition, RTX 2080 Ti HOF có điểm đánh giá quá vượt trội so với những người anh em của mình trong họ GeForce về hiệu năng xử lý, đặc biệt là ở bài Port Royal thử nghiệm tốc độ dựng ảnh phản chiếu theo thời gian thực Ray Tracing, chiếc card của GALAX cũng không mấy khó khăn trong việc đánh bại các đại diện khác của dòng RTX.

Tiếp theo đến phép thử game đầu tiên là Final Fantasy XV. Ở mức thiết lập High trên cả 3 độ phân giải 4K/1440p/1080p, RTX 2080 Ti HOF lại thể hiện hiệu năng vô cùng ấn tượng với điểm số cao ngất ngưỡng so với những cái tên còn lại. Hơn nữa, cũng với thiết lập High như trên nhưng đã kích hoạt công nghệ khử răng cưa DLSS, ba người anh em RTX 2060, 2070 và 2080 tiếp tục làm nền cho chiếc card đồ họa cao cấp của GALAX.

Đến các bài test game nặng nề hơn như bộ đôi Assassin’s Creed Odyssey và Assassin’s Creed Origins thì tôi lại khá bất ngờ. Đặc biệt là ở bài Assassin’s Creed Origins khi ở cả 2 độ phân giải 1080p và 1440p, RTX 2080 Ti HOF không thực sự quá nổi trội so với những cái tên dưới tầm cùng dòng RTX như 2060, 2070, 2080 hay dòng GTX với 1080 Ti, 1080. Trong khi đó, sự khác biệt chỉ đến ở độ phân giải 4K khi chiếc card của GALAX đã chứng tỏ vị thế dẫn đầu hiệu năng của mình. Còn ở phiên bản Odyssey, tựa game này cũng không khiến RTX 2080 Ti gặp khó ở 2 độ phân giải 1080p và 1440p. Tuy nhiên, ở độ phân giải 4K thì RTX 2080 Ti chưa thực sự hiệu quả khi FPS trung bình chỉ 48 nhưng bạn có thể khắc phục bằng cách giảm thông số khử răng cưa (Anti Aliasing), mật độ mây trời (Volumetric Clouds) cũng như đổ bóng môi trường (Ambient Oclusion) của game xuống một chút là FPS trung bình sẽ tăng lên rất nhiều.

Với hai bài test Far Cry 5 và Far Cry New Dawn, RTX 2080 Ti HOF cũng có chung vấn đề như ở bài Assassin’s Creed Origins khi hiệu năng thử nghiệm trên độ phân giải 1080p. Cụ thể, hiệu năng của RTX 2080 Ti HOF không cao hơn thậm chí còn kém hơn đôi chút so với những chiếc card cùng dòng RTX và cả chiếc card đầu bảng một thời GTX 1080 Ti. Hơn nữa nếu để ý kỹ hơn, ở bài Far Cry New Dawn độ phân giải 1080p, GTX 1660 Ti cũng chỉ kém 1 khung hình so với chiếc card của GALAX. Kéo độ phân giải lên một chút là 1440p ở tựa game kể trên, RTX 2080 Ti HOF cũng không thể hiện được mình so với người anh em RTX 2080 cũng như thua đôi chút so với GTX 1080 Ti. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi đẩy độ phân giải lên 4K, RTX 2080 Ti HOF mới trở lại ngôi đầu trong cuộc đua FPS ở cả hai bài Far Cry 5 và New Dawn. Tuy nhiên, chiếc card của GALAX cũng chỉ đạt 50 FPS trung bình ở bài Far Cry 5. Vì thế, bạn có thể hai thông số bóng đổ (Shadows) và chi tiết môi trường (Environment) xuống mức High thì game sẽ trở về mức FPS lý tưởng trên 60 ở độ phân giải 4K.

Kế tiếp là bài thử nghiệm có lẽ là nặng nhất trong danh sách của tôi, Metro: Exodus. RTX 2080 Ti HOF đã hoàn thành rất tốt preset Extreme ở cả 2 độ phân giải 1080p và 1440p với mức FPS trung bình xấp xỉ hoặc vượt xa mốc 60 lý tưởng. Tuy nhiên, lên đến độ phân giải 4K thì FPS trung bình của RTX 2080 Ti HOF đã rớt xuống 41, qua đó cũng cho thấy khả năng tàn sát phần cứng của Metro: Exodus là quá khủng khiếp cũng như nội lực của một mình chiếc card RTX 2080 Ti HOF là chưa đủ để chạy tốt tựa game này ở độ phân giải 4K. Mọi chuyện có đôi chút khá khẩm hơn khi chuyển sang preset RTX dành riêng cho card đồ họa RTX, preset này sẽ hạ mức chất lượng xuống Ultra nhưng bù lại các hiệu ứng Ray Tracing hay DLSS đều được kích hoạt thay vì tắt như preset Extreme. Và FPS trung bình của RTX 2080 Ti đã vọt lên 51 khi chạy ở độ phân giải 4K, cao hơn so với phần còn lại của dòng RTX. Nhưng con số 51 vẫn còn thấp hơn so với mức chuẩn 60 FPS, và thiết nghĩ nếu như muốn trải nghiệm tốt Metro: Exodus ở độ phân giải 4K với card đồ họa RTX 2080 Ti nói chung và phiên bản HOF của GALAX nói riêng, bạn sẽ phải hạ bớt một số thông số đồ họa trong game một chút hoặc dễ nhất là hạ thông số Shading Rate từ 100% xuống 85-90%. Thông số Shading Rate của Metro: Exodus tương đương với các tùy chọn về Resolution Modifier ở những game khác, nói nôm na thông số này sẽ quyết định đến chất lượng hình ảnh tổng thể của game khi dựng hình ở độ phân giải thấp hơn theo cơ số % nhưng không hạ độ phân giải thực xuống. Nói cách khác, game của bạn vẫn chạy ở độ phân giải 4K nhưng hình ảnh được thể hiện là ở độ phân giải thấp hơn 4K. Và như thế, trải nghiệm Metro: Exodus trên độ phân giải 4K sẽ tốt hơn trước nhiều khi sử dụng RTX 2080 Ti HOF.

Cuối cùng là 3 tựa game Middle Earth: Shadow of War, Shadow of the Tomb Raider và Strange Brigade. Đã không có bất ngờ nào xảy ra khi ở cả 3 độ phân giải, RTX 2080 Ti HOF vẫn là người đi đầu kèm theo đó mức FPS trung bình rất lý tưởng đều trên 60.

IV Ép Xung:

Tiếp theo sẽ tiến hành ép xung chiếc card RTX 2080 Ti HOF của GALAX. Sau khoảng 1h đồng thử nghiệm, mức xung ép lý tưởng cho chiếc card này như sau:

Với xung nhân và bộ nhớ lần lượt cao hơn xung gốc 7% và 16%, đây là mức xung nhịp khá cao đặc biệt là xung bộ nhớ, điều cần thiết khi chơi game 4K vì càng lên độ phân giải cao khả năng xử lý của chip nhớ càng được phát huy tối đa. Liệu sau khi ép xung, chiếc card RTX 2080 Ti của GALAX sẽ thể hiện ra sao? Chúng ta hãy chờ xem:

Sau khi ép xung, ngoại trừ bộ tứ đến từ Ubisoft (Assassin’s Creed Odyssey/Origins, Far Cry 5/New Dawn) và thuốc thử hạng nặng Metro: Exodus, tất cả các phép thử còn lại đều cho kết quả khả quan hơn khá nhiều. Với 4 tựa game của Ubisoft, việc ép xung RTX 2080 Ti HOF vẫn chưa cho sự chênh lệch hiệu năng như mong đợi. Chuyện tương tự cũng xảy ra với tựa game Metro: Exodus. Có lẽ chỉ khi áp dụng phương pháp ép xung chuyên dụng sử dụng tản nhiệt nước hay LN2 (Ni tơ lỏng), chiếc card của GALAX mới phát huy được hiệu năng tốt nhất trên những tựa game nặng như thế này.

IV – Độ ồn

Điều kiện test

Đo độ ồn quạt trong trường hợp quạt tự động và 100% tốc độ.

Lưu ý: 3 quạt của RTX 2080 Ti HOF đều sử dụng công nghệ quay bán chủ động của GALAX , nên sẽ đo độ ồn trước và sau khi 3 quạt bắt đầu quay khi tải nặng.

Theo bảng dải độ ồn dưới đây, độ ồn tối đa mà GALAX RTX 2080 Ti HOF không quá ồn ào khi ở trường hợp quạt quay tự động nhưng khi kéo quạt lên 100% thì độ ồn đã đạt tới gần 70dBa, tức là tương đương với âm thanh của một chiếc quạt công nghiệp đang quay với tốc độ trung bình. Vì thế, nếu như cần sự yên lặng hoặc hay độ ồn ở mức chấp nhận được thì bạn nên sử dụng chế độ quạt tự động hoặc chỉ kéo quạt tầm 60-70% khi chạy RTX 2080 Ti HOF.

V – Công suất tiêu thụ

Điều kiện test

Xem công suất tiêu thụ tổng thể trong 2 trường hợp card đồ hoạ nghỉ và tải nặng tương ứng với mức xung mặc định và ép xung.

Mặc định

Ép xung

Với công suất đo được tối đa trong trường hợp ép xung đã vượt mức 500W, RTX 2080 Ti HOF quả thật là một con quái vật. Tất nhiên, với việc đầu tư chiếc card này ắt hẳn bạn đã chuẩn bị cho hệ thống của mình một bộ nguồn tốt có công suất thực từ 700W trở lên rồi.

VI – Lời kết:

Nếu là fan cuồng máy tính trong những năm gần đây, có lẽ bạn đã từng biết đến dòng card đồ họa hiệu suất cao HOF hay còn gọi với tên đầy đủ là Hall of Fame (tạm dịch là ngôi đền huyền thoại) của nhà sản xuất GALAX. Galax RTX 2080 Ti Hof được thiết kế đúng với tiêu chí hiệu năng nằm ở đẳng cấp hàng đầu, những chiếc card đồ họa dòng HOF được GALAX chăm chút rất kỹ lưỡng để chúng trở thành sự lựa chọn hàng đầu dành cho những dân chơi máy tính thứ thiệt.

Ưu điểm:

  • Thiết kế hầm hố với tông màu đặc thù phù hợp với các hệ thống máy tính chủ đề màu trắng.
  • Tích hợp công nghệ ray-tracing RTX, DLSS và hỗ trợ chạy đa card NVLink.
  • Hiệu năng ở xung mặc định rất tốt ở độ phân giải 4K.
  • Khả năng ép xung khá cao đặc biệt là xung bộ nhớ.
  • Quạt làm mát sử dụng công nghệ quạt bán chủ động giảm độ ồn.
  • Nhiệt độ hoạt động mát đối với một chiếc card khủng.
  • Trang bị backplate kim loại bảo vệ mặt sau và tăng cường tản nhiệt card đồ hoạ.
  • Độ ồn ở tốc độ quạt mặc định ở mức chấp nhận được.
  • Có nút HyperBoost tăng tốc quạt hạ nhiệt độ nhanh.
  • Có HOF Panel theo dõi thông số card trực quan hơn so với phần mềm.
  • Hỗ trợ đèn LED RGB trên thân card và trụ đỡ, có thể điều chỉnh hiệu ứng trong phần mềm HOF AI.
  • Nhiều đồ chơi phụ kiện đi kèm hữu dụng.

Nhược điểm:

  • Giá cao.
  • Đèn LED RGB không đồng bộ trên thanh trụ đỡ lẫn thân card, khả năng lớn nằm ở phần mềm điều khiển HOF AI.
  • Công suất tiêu thụ lớn.

Related posts

Trên Tay Card Đồ Họa ROG Strix Radeon RX 7600 OC Edition 8GB GDDR6

Trên Tay ASUS ProArt GeForce RTX 4080 16GB GDDR6X

Đập Hộp Nhanh ASUS TUF Radeon RX 7900 XTX OC Edition