Sau thành công của loạt GPU RTX dựa trên kiến trúc Turing, cũng như trước sức ép từ thế hệ đồ họa Navi của AMD. NVIDIA một lần nữa cải tiến loạt GPU mới của mình bằng cách tung ra loạt cạc đồ họa mới vẫn dựa trên kiến trúc Turning với một số cải tiến nhưng được gán tên gọi mới RTX Super. Trong đó, hấp dẫn nhất sẽ là phiên bản RTX 2060 Super vì nó sẽ có sức mạnh tiệm cận RTX 2070 nhưng chi phí sở hữu lại thấp hơn kha khá.
[table id=43 /]
Nhìn vào bảng thông số so sánh nhanh, có thể thấy RTX 2060 Super đã được cải tiến rất nhiều trong cấu hình từ số lượng nhân tính toán bên trong (CUDA Cores, Tensor Core, RT Core) cho đến cả về tốc độ xung nhịp của GPU và đặc biệt là dung lượng bộ nhớ giờ lên đến 8GB GDDR6 tương đương những biến thể khác của dòng Super.
Đó là về mặt NVIDIA, còn với các nhà cung cấp phần cứng như MSI thì việc tung ra những biến thể cải tiến từ loạt GPU mới là trọng tâm của bài viết hôm nay. Hôm nay, chúng ta sẽ đánh giá nhanh khả năng ép xung của card đồ họa MSI GeForce RTX 2060 Super Gaming X.
Thiết Kế Bên Ngoài:
MSI GeForce RTX 2060 Gaming X dựa trên GPU GeForce RTX 2060 Super của NVIDIA do đó nó cũng mang trong mình những đặc điểm thông số nguyên bản như nó có 2176 nhân CUDA, 272 nhân Tensor và 34 nhân RT. Dù là một phiên bản đã cải tiến mạch lẫn tản nhiệt nhưng thông số xung nhịp của cạc đồ họa này vẫn giữ ở mức xung nhịp của phiên bản tham chiếu từ NVIDIA tức là xung nhịp mặc định 1470MHz, xung nhịp Boost 1695MHz và xung nhịp bộ nhớ là 1750MHz nhưng có mức giá bán ra cao hơn mức giá đề xuất của phiên bản Founder Edition từ NVIDIA. Vì vậy, hy vọng với việc được trang bị tản nhiệt tốt hơn sẽ cho hiệu suất làm mát GPU ngon lành hơn và đặc biệt là khả năng ép xung sẽ vượt trội hơn.
MSI GeForce RTX 2060 Gaming X là một card đồ họa thiết kế hai slot, trang bị tản nhiệt TwinForz 7 từ MSI. Có thể nói thiết kế kiểu dáng và màu sắc trên các dòng card đồ họa từ RTX đời đầu cho đến nay của MSI đã không còn màu mè như các biến thể gaming thế hệ trước. Có thể bạn sẽ thích hoặc không thiết kế đỏ đen của các thế hệ trước. Nhưng với chúng tôi, thiết kế của dòng RTX Gaming X mới đã nhẹ nhàng hơn, đẹp và tinh tế hơn.
Thiết kế nắp chụp tản nhiệt trên MSI GeForce RTX 2060 Gaming X dù vẫn đầy góc cạnh nhưng nhờ hai tông màu đen xám dù nhẹ nhàng nhưng không kém phần mạnh mẽ. Dọc hai cạnh trên dưới của đường viền quạt là 4 thanh nẹp nhựa dẫn ánh sáng RGB. Bên trong, hai quạt làm mát Torx 3.0 với một số cải tiến mới như cánh quạt với các lưỡi cong đặc biệt tăng tốc luồng không khí đến các lá nhôm tản nhiệt bên trong.
Bên trên, nắp chụp tản nhiệt cũng chê phủ 1 phần tản nhiệt, ngoài tên thương hiệu GeForce RTX còn có một bảng đèn phát ánh sáng RGB cho thương hiệu MSI, công nghệ quạt Twin Frozr 7 và hình ảnh linh vật Rồng Gaming của MSI.
Bên dưới, bạn có thể thấy được cấu tạo bên trong của bộ tản nhiệt trên cạc đồ họa này. Thiết kế tản nhiệt vẫn là hai cụm lá tản nhiệt liên kết với nhau bởi các ống đồng mà chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở phía sau bài viết này.
MSI GeForce RTX 2060 Super Gaming X cung cấp đến 3 cổng suất DP 1.4 và một cổng HDMI 2.0b
Một sản phẩm chơi game và thuộc phân khúc tầm trung như cạc đồ họa này dĩ nhiên là không thể thiếu trang bị blackplate phía sau. Tấm chắn lưng bằng kim loại không chỉ là làm đẹp cho cạc mà còn hỗ trợ làm mát cho các MosFET đồng thời bảo vệ phần mạch phía sau của cạc.
Thiết kế Board và Tản Nhiệt:
Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ qua về thiết kế bo mạch cũng như các thành phần linh kiện và tản nhiệt của MSI GeForce RTX 2060 Super Gaming X.
Như hình ảnh bên trên, sau khi tách rời cụm tản nhiệt, trên cạc còn được trang bị thêm hai tấm khung kim loại ốp trên lưng các IC nhớ và MosFET cũng như một số linh kiện khác của cạc.
Tản nhiệt Twin Frozr 7 có thiết kế gồm hai cụm lá nhôm liên kết với nhau bởi hệ thống 4 ống đồng kích thước 6mm. Các ống đồng này không tiếp xúc trực tiếp với GPU mà thông qua thêm một lớp đế đồng. Theo MSI, việc sử dụng thêm lớp đế đồng sẽ cho hiệu quả hấp thu nhiệt từ GPU đến các ống heatpipe tốt hơn.
Cận cảnh quạt Torx thế hệ 3 với 1/2 cánh quạt được thiết kế đường gân nổi và phần lưỡi cánh được uống cong nhẹ nhằm tạo lực ép tối ưu hơn nữa cho luồng không khí đi vào bên trong bộ tản nhiệt.
Bộ nhớ VRAM và MosFet dù được trang bị thêm tấm ốp lưng hỗ trợ làm mát, nhưng nó không kết nối trực tiếp đến bộ tản nhiệt bên trên mà cũng chỉ hưởng luồng gió từ hai quạt thổi xuống. Thiết nghĩ MSI nên trang bị thêm các miếng thermalpad để có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả làm mát cho VRAM và MosFet.
Trong tổng số 8 cuộn cảm thì lại có 4 cuộn được phủ thermalpad, tuy nhiên bề mặt tiếp xúc với lá nhôm là cũng không nhiều nên chúng tôi vẫn không rõ đây là dụng ý gì từ MSI.
8 con chip đồ họa Micron GDDR6 bố trí xung quanh GPU như thường lệ, phía sau bo là cụm linh kiện mạch cung cấp điện áp cho card. Các chip nhớ này được thiết lập hoạt động ở mức xung nhịp 1750 MHz.
Cụm mạch điều khiển điện cho GPU, VRAM và các thành phần khác trên MSI GeForce RTX 2060 Super Gaming X…
… IC ON Semiconduc tor NCP81610 hỗ trợ tối đa 8 pha điện ra, trên cạc đồ họa này chúng ta sẽ có cấu hình 6 pha cho GPU và 2 pha VRAM được điều khiển bởi IC uP1666Q.
Trải Nghiệm Hiệu Năng:
Trong mục này, chúng tôi sẽ tìm hiểu nhanh hiệu năng của card đồ họa MSI GeForce RTX 2060 Super Gaming X thông qua các cấp cấu hình mặc định và ép xung của card. Do có xung nhịp giữ nguyên từ phiên bản Founder Edition cũng như thời gian giữ sản phẩm có hạn nên chúng tôi sẽ tạm bỏ qua phần benchmark trên các tựa game mà sẽ tập trung vào phần khác.
Đầu tiên, với các thông số từ nhà cung cấp, cạc có xung nhịp mặc định 1470MHz và xung nhịp Boost là 1695MHz, tốc độ quạt được thiết lập au to để vừa đảm bảo độ yên tĩnh khi cạc tải ít. Khi tiến hành chơi game cũng như thông qua ứng dụng 3DMark, tốc độ quạt thường luôn giữ mức trên dưới 60%, độ ồn có nhưng không quá ồn khi để trần, và khi đóng kín thùng máy bạn sẽ gần như không còn nghe thấy tiếng quạt quay. Nhiệt độ chúng tôi đo được thông qua phần log nhiệt độ của GPU-Z hay ngay trong 3DMark luôn giữ ở mức 68 – 69 độ.
Sau đó, chúng tôi tiến hành ép xung cả core lên mức 1570 MHz (boost: 1795 MHz) và bộ nhớ từ 1750 Mhz lên 2000MHz. Với thiết lập quạt au to rất khó để card có thể vận hành ổn định do vấn đề nhiệt độ. Ngay cả ở thiết lập quạt 70% vẫn là chưa đủ để giữ cho card luôn hoạt động tốt, do đó thiết lập quạt 100% là khuyến nghị cho bất kỳ ai muốn ép xung trên MSI GeForce RTX 2060 Super Gaming X.
Với các thiết lập như trên, chúng tôi đã hoàn toàn dễ dàng hoàn tất các bài test của 3DMark, chơi một số tựa game offline phổ biến như GTA5, Metro Exodus…
Và với thiết lập quạt 100%, thật thú vị khi nhiệt độ card lúc này chỉ vào khoảng 60 độ, nhưng bù lại sẽ rất là ồn, dù đóng kín hệ thống bạn vẫn sẽ nghe thấy tiếng quạt quay bên trong. Rất là xót.
Và độ ồn mà chúng tôi đo được khi ở các chế độ nghỉ, quạt 70% và 100% lần lượt như các hình bên dưới:
Với những gì chúng tôi ghi nhận được, có thể thấy khi quạt quay ở tốc độ tối đa 100%, độ ồn của quạt lên đến 76,8 dBa, đây là mức sẽ gây nên những âm thanh rất khó chịu cho người dùng. Đó là khi ở môi trường ngoài, trong trường hợp đóng kín thùng máy, bạn sẽ nghe thấy ít hơn, có thể chơi game một cách thoải mái hơn.
Lời Kết:
Qua những gì chúng tôi đã trải nghiệm được thì MSI GeForce RTX 2060 Super Gaming X đáng để các game thủ tầm trung tham khảo qua khi lựa chọn nâng cấp, lắp mới một chiếc cạc đồ họa đủ mạnh, hiệu suất cao đảm bảo chiến được hầu hết các tựa game 2K ở thiết lập chất lượng hình ảnh cao nhất. Với việc tích hợp phần cứng dò ánh sáng thời gian thực sẽ mang đến những trải nghiệm chơi game ở một cấp độ hoàn toàn mới. Dù RTX 2060 Super vẫn đảm đương tốt một số tựa game offline ở độ phân giải 4K tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyến khích bạn chỉ nên dùng lại ở độ phân giải 2K cùng thiết lập hình ảnh cao nhất để có được những trải nghiệm mượt mà và hoàn hảo nhất.
Ưu điểm:
- Phối màu đen xám đơn giản tinh tế nhưng vẫn thể hiện được sự mạnh mẽ nhờ thiết kế góc cạnh.
- Bố trí các vị trí ánh sáng RGB hợp lý và đẹp mắt.
- Ép xung ngon.
Nhược điểm:
- Ồn ào khi ở tốc độ quạt 100%