Đánh Giá: Màn Hình Chơi Game GIGABYTE M27Q 27-inch 2K IPS, 165Hz

Lần trước, chúng ta đã có dịp tìm hiểu qua sản phẩm G27QC đến từ nhãn hàng GIGABYTE. Và trong lần trở lại này, chúng tôi đã có dịp trải nghiệm thêm một chiếc màn hình chơi game cũng của GIGABYTE – M27Q. Mặc dù vẫn có kích thước khung hình 27-inch nhưng M27Q là một chiếc màn hình phẳng truyền thống, bên cạnh đó nhờ vào việc được trang bị tấm nền IPS độ phân giải 2K cùng tần số quét 170Hz làm cho M27Q không chỉ là một chiếc màn hình dành cho game thủ mà nó còn hướng đến người dùng biên tập nội dung số như chỉnh sửa video/ảnh.

Ngoài ra, M27Q có thể được xem như là sản phẩm màn hình đầu tiên trên thế giới tích hợp tích năng KVM. Một tính năng cho phép bạn sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị như máy tính bảng, máy tính xách tay, điện thoại thông minh với chỉ một màn hình, một bộ bàn phím chuột. Loại bỏ sự chật chội trên bàn khi phải cần kết xuất ra màn hình to để chơi game, để làm việc… Tuy nhiên, do tính năng này mới được ra mắt nên số lượng thiết bị ngoại vi được hỗ trợ vẫn còn ít, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chủng loại thiết bị hơn nữa được thêm vào thông qua các lần cập nhật firmware. Bạn có thể tìm hiểu thêm về tính năng này TẠI ĐÂY

Thiết kế của GIGABYTE M27Q là sự kết hợp giữa hai phong cách chơi game và làm việc chuyên nghiệp với một chân đế chữ V to bản cùng giá đỡ màn hình to khỏe và chắc chắn. M27Q vẫn có ba cạnh viền mỏng, phủ lớp gương mờ làm cho nó trở nên trong như là một màn hình không viền phù hợp với xu hướng màn hình hiện đại.

Chân đế chữ V to bản, cùng giá đỡ khỏe đảm bảo màn hình luôn giữ được sự ổn định ngay cả khi bạn rung lắc mạnh chiếc bàn của mình. Chân đế cũng được trang bị một khoang luồn dây cáp góp phần làm cho chiếc bàn của bạn trông gọn gàng hơn.

Tâm điểm thiết kế của M27Q vẫn nằm ở mặt sau với một phong cách đơn giản nhưng vẫn mang đậm chất game thủ ở những sản phẩm màn hình chơi game của GIGABYTE. Thiết kế mặt lưng vẫn là một đường viền sơn bóng phía trên trong khi đó 3/4 bề mặt còn lại được hoàn thiện bằng lớp phủ đen nhám phong cách.

Ở M27Q, ngoài cần gạt chức năng 4 hướng chúng ta còn có một nút kích hoạt tính năng KVM.

Bên cạnh các kết nối phổ biến như ngõ vào hình ảnh DisplayPort, HDMI, USB Hub, còn có sự xuất hiện của một cổng USB Type-C, đây là cổng được sử dụng để kết nối với các thiết bị cần sử dụng tính năng KVM.

Là một màn hình vừa chơi game, vừa dành cho làm việc đồ họa, chân đế của M27Q cho phép người dùng thay đổi độ cao/thấp, độ nghiêng của màn hình nhưng không cho phép xoay chỉnh hướng màn hình

Trải nghiệm:

Không chỉ mục đích hướng đến game thủ, mà GIGABYTE M27Q còn dành cho người dùng đồ họa. Vì thế, chúng tôi cũng tiến hành đo kiểm dãy màu của màn hình này. Như bạn có thể thấy thông qua phần biểu đồ bên dưới.

Ở chế độ tùy chọn sRGB từ menu OSD của màn hình này có thể thấy rõ dãy màu của M27Q có phần rộng hơn tiêu chuẩn sRGB nhưng độ chênh lệch không nhiều. Màu sắc dù có xu hướng thiên về sắc Đỏ nhưng là không nhiều. Điều này cũng có thể hiểu được do M27Q vẫn là một sản phẩm dành cho game thủ nên nó vẫn được thiết lập các thông số hơi sáng hơn để phù hợp cho chơi game. Vì vậy, để có thể cho màu sắc chuẩn mực hơn cho công việc đồ họa, việc cân chỉnh lại màu sắc là cần thiết.

Ở chế độ dành cho chơi game, có thể thấy rõ xu hướng thiên về game thủ khi độ sáng trên M27Q được tăng lên rất nhiều.

Nhờ có tần số quét và độ phân giải cao, M27Q mang đến những giá trị trải nghiệm hình ảnh đẹp mắt, mượt mà không có gì để phải phàn nàn.

Với mức giá rơi vào khoảng 10 triệu cho một chiếc màn hình chơi game được trang bị tấm nền IPS độ phân giải 2K cùng tần số quét 170Hz đến từ một nhãn hàng chuyên cung cấp phần cứng chơi game hàng đầu có thể là một mức giá khá cao. Nhưng với việc được tích hợp bộ chuyển KVM lại làm cho nó trở nên hấp dẫn ở mức giá này.

Bên cạnh hiệu suất hiển thị chất lượng, không chỉ dành cho game thủ mà nó còn dành cho người dùng biên tập nội dung số. Cùng với bộ chuyển KVM, thông qua kết nối USB Type-C, những trải nghiệm chơi game di động không còn gói gọn trong một chiếc điện thoại kích thước nhỏ bé mà giờ đây bạn sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị hơn khi được chơi trên một màn hình kích thước lớn. Điểm yếu duy nhất hiện tại của M27Q đó chính là khả năng hỗ trợ các thiết bị di động chưa nhiều, hy vọng GIGABYTE sẽ sớm bổ sung thêm nhiều thiết bị hơn vào trong sản phẩm của mình.

 

Related posts

Trên Tay Màn Hình ASUS ProArt PA279CRV 27-inch, 4K HDR IPS, Tương Thích Hệ Sinh Thái Của Apple

Trên Tay Màn Hình ASUS ROG Strix XG43U: 43-inch, 4K 120Hz

Đánh Giá Màn Hình Viewsonic VX3219-PC-mhd