Bên cạnh các dòng chuột tầm trung và phổ thông sử dụng kết nối cáp USB để truyền tín hiệu, Logitech vẫn có một vài dòng chuột tầm trung-cao sử dụng công nghệ kết nối không dây LightSpeed đình đám hiện tại như G403, G603, G703 và G903. Trong số 4 đại diện trên có đến 3 sản phẩm được trang bị thêm tạ tăng độ nặng cho người dùng đồng thời cả 3 sản phẩm G403, G703, G903 đều có nguồn pin được đặt kín trong thân chuột, có nghĩa là người dùng không thể thay thế mỗi khi hết pin mà phải cắm dây kết nối để sạc pin. Việc này không làm ảnh hưởng đến việc chơi game, làm việc nhưng với một số người dùng không thích lắm việc này.
Hiểu được điều đó, Logitech đã phát triển và cho ra đời một bộ sạc không dây cho một số sản phẩm chuột tương thích với tên gọi Logitech Power Play.
Logitech Power Play không chỉ là một bộ sạc không dây đơn thuần mà nó còn kiêm luôn cả chức năng là một bàn di chuột. Power Play đi kèm sẳn một bàn di chuột loại trơn chuyên dùng cho thể loại game MOBA cùng một số tính năng đáng chú ý như:
- Công nghệ sạc không dây Power Play
- Tích hợp đầu thu LightSpeed (với G703, G903)
- Kiêm bàn di chuột
- Kèm theo 2 miếng lót chuột với 2 bề mặt mềm và cứng.
- Đèn nền RGB điều chỉnh được
Logitech PowerPlay mang thiết kế 2 lớp với một lớp mạch sạc không dây như là đế của bàn di và lớp trên cùng chính là 1 trong hai bề mặt di chuột mà Logitech đính kèm theo sản phẩm. Tuy nhiên, với bản dành cho media review, bên trong chỉ đi kèm một mặt di chuột bề mặt trơn.
Phụ kiện đi kèm PowerPlay có một cáp kết nối USB bọc lưới chống gẫy, thiết kế đầu cắm đinh ba thường thấy trên các dòng sản phẩm hiện nay của Logitech G.
Cùng với đó là một cục sạc không dây mà Logitech gọi nó là PowerCore kích thước tương đương một cục tạ của G703 và G903. Như hình ảnh bên dưới bạn có thể thấy PowerCore trong tương tự như cục tạ đi kèm chuột G903 với 2 chân tiếp xúc với chuột.
Quay trở lại với tấm mạch PowerPlay, thoạt tiên nó không khác gì một bàn di chuột tích hợp đèn nền RGB phổ biến hiện nay với một mặt di và một mô đun kết nối kiêm điều khiển đèn nền. Về kiểu dáng chung là vậy, nhưng chức năng của PowerPlay hoàn toàn khác.
- Thứ nhất mặt trên PowerPlay nhám, rít do đó bạn sẽ không di chuột được trên này.đu mà phải sử dụng tấm di chuột di kềm hoặc bằng một tấm di chuột khác.
- Thứ hai nó cũng không có đường viền RGB bao quanh.
- Mô đun phía trên không phải bảng điều khiển đèn nền RGB mà là nơi kết nối, mạch điều khiển cho việc sạc điện không dây.
- Nơi duy nhất có ánh sáng RGB chính là biểu tượng G trên sản phẩm.
- Mô đun kết nối tích hợp sẳn bộ thu phát tín hiệu không dây dành cho chuột, do đó bạn không cần sử dụng đến cục Receiver đi kèm theo chuột G703 hoặc G903.
Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu sơ qua tấm di chuột đi kèm. Như đã nói ở trên, khi bạn mua PowerPlay sẽ đi kèm 2 tấm di chuột trơn và nhám, do đó bạn sẽ thoải mái hơn trong việc lựa chọn bề mặt bàn di phù hợp với thể loại game yêu thích.
Tấm di chuột được làm bằng vải bệt siêu bền, bên dưới là một lớp cao su bề mặt nhiều vân để tạo độ bám vào mặt bàn, tấm PowerPlay. Kích thước của tấm di chuột tương đương kích thước của mặt PowerPlay.
Khi thực hiện việc sạc không dây, một đèn led đơn sắc màu trắng sẽ sáng lên cho bạn biết quá trình sạc đang diễn ra. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo duy nhất cho biết quá trình sạc đang được tiến hành, trên chuột ngay cả G703 hoặc G903 đều không chóp đèn.
Để biết khi nào chuột đầy, người dùng có thể theo dõi trạng thái pin của chuột thông qua phần mềm Logitech Gaming Software hoặc đèn LED báo trên chuột.
Trải nghiệm:
Để sạc không dây, bạn chỉ việc thay thế cục tạ đi kèm bằng cục PowerCore. Để sử dụng receiver tích hợp trong PowerPlay, bạn có thể làm theo hướng dẫn tại trang hỗ trợ của Logitech mục Pairing POWERPLAY charging system with a compatible gaming mouse. Rất đơn giản và nhanh chóng.
Nói về tính năng sạc không dây. Nói cho đúng thì PowerPlay là một phụ kiện giúp mức pin trên chuột giữ được ở mức cố định, tức nghĩa là mức pin sẽ không tăng không giảm trong quá trình sử dụng. PowerPlay không hỗ trợ sạc nhanh. Vì vậy để sạc đầy pin của chuột bạn sẽ cần phải để qua đêm trong tình trạng không sử dụng. Sử dụng thực tế khi mình để yên sang một bên, không sử dụng chuột thì với G903, G703 đều mất tới hơn 10 giờ để sạc đầy pin.
Tuy nhiên, PowerPlay có thể mất điểm trong mắt người dùng đó là khả năng bám của tấm chuột trên bề mặt sạc rất kém. Tấm di chuột thường xuyên bị xê dịch ra khỏi mặt sạc. Khi đặt tấm chuột trên mặt bàn, khả năng bám cũng không mấy chắc chắn. Nhưng có một điểm sáng đó là bạn không nhất thiết sử dụng tấm di chuột đi kèm mà có thể sử dụng tấm di nào khác bạn thích. Như hình ảnh bên dưới, chúng tôi sử dụng một tấm pad kích thước lớn phủ lên bề mặt PowerPlay và nó vẫn có thể sạc bình thường.
Đèn nền RGB tại biểu tượng G có thể được đồng bộ hiệu ứng ánh sáng với tất cả các sản phẩm Logitech khác như bàn phím chuột.
Nhìn chung, Logitech PowerPlay là một món phụ kiện khá hay nếu bạn cần một combo full set đồ chơi game của Logitech. PowerPlay dù có thời lượng sạc đầy pin khá lâu, nhưng nó đã làm tốt chức năng của một bộ sạc không dây cũng như nó giúp cho nguồn pin trên chuột luôn ổn định để bạn có thể bước vào các trận đối kháng kịch tính mà không phải lo lắng đến lượng pin trên chuột. Thêm nữa, do được tích hợp sẳn Receiver, bạn sẽ tiết giảm được thêm một cổng USB trên máy để sử dụng cho các thiết bị khác.
Và cuối cùng là mức giá bán lẻ của Logitech PowerPlay khá cao vào khoảng 5.000.000 đồng tại thị trường Việt Nam. Một mức giá có thể làm chùng bước những ai đang có ý định sở hữu sản phẩm này.