Intel Core i7-11700K là một phiên bản chip hi-end tầm trung hướng đến giới game thủ tầm trung và người dùng đam mê mong muốn có được mức hiệu suất cao nhưng giá thành hợp lý. Core i7-11700K vẫn được trang bị đầy đủ những công nghệ chủ lực dựa trên kiến trúc Cypress Cove hay còn gọi là nền tảng Rocket Lake, vẫn là một vi xử lý 8 nhân 16 luồng với xung nhịp gia tốc lên đến 5.0 GHz.
Core i7-11700K có thể được xem như là phiên bản thu gọn một vài tính năng của Core i9-11900K nhưng vẫn giữ lại các công nghệ chủ đạo và quan trọng hơn là nó có mức giá hợp lý hơn. Một trong những tính năng mà Core i7-11700K không có đó là tính năng Thermal Velocity Boost, và dĩ nhiên là xung nhịp cao nhất cũng sẽ thấp hơn một chút.
Intel Core i7-11700K với thiết kế 8 nhân 16 luồng được đóng gói trên quy trình 14nm và dựa trên kiến trúc Cypress Cove. Xung nhịp cơ bản 3.6GHz, xung nhịp gia tốc đơn nhân 5.0GHz và xung nhịp gia tốc toàn nhân là 4.6GHz, con chip này có 16MB bộ nhớ đệm L3 và dĩ nhiên là nó cũng hỗ trợ công nghệ PCIe Express 4.0 cũng như là tập lệnh AVX512. Trên Core i7-11700K hỗ trợ đến 20 lanes PCIe 4.0 và hỗ trợ bộ nhớ mặc định DDR44-3200 cũng như là hỗ trợ USB 3.2 Gen 2×2 (20Gbps).
Như chúng ta đã biết Intel đã bị mắc kẹt tại quy trình 14nm trong suốt nhiều năm qua. Mặc dù đã có những nổ lực như hoàn tất triển khai công nghệ SuperFin mới và Intel cũng đã tung ra một số thế hệ vi xử lý dựa trên quy trình 10nm dành cho máy tính xách tay như Cannon Lake, Ice Lake, Elkhart Lake, và Tiger Lake. Bên cạnh đó thì trong khoảng giữa cuối Q1 vừa qua thì Intel cũng đã ra mắt Xeon Scalable thế hệ 3 cũng dựa trên quy trình 10nm dành cho các hệ thống máy chủ/trung tâm dữ liệu. Nhưng nhìn chung thì đây vẫn là những sản phẩm có công suất tiêu thụ thấp. Riêng với nền tảng máy tính để bàn chơi game hiệu suất cao, Intel vẫn chưa thể tung ra dòng vi xử lý nào được đóng gói trên quy trình 10nm.
Vì hiện tại, quy trình 10nm vẫn chưa thể đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết về hiệu suất ở cấp độ máy tính để bàn hiệu suất cao. Thực tế như chúng ta đã thấy trong nhiều năm qua, Intel không hề tung ra thế hệ kiến trúc mới đột phá nào, mà thay vào đó chỉ là những lần nâng cấp, cải tiến và làm mới dòng Skylake dựa trên các nút quy trình 14nm cải tiến. Và tiếp theo đó dù là Coffee Lake, Coffee Lake refesh và Comet Lake. Mỗi lần ra mắt này đều chỉ là những thay đổi về xung nhịp, thêm nhân hoặc tăng hiệu suất, nhưng không có những cải tiến trong vi kiến trúc.
Và ở lần ra mắt dòng vi xử lý Core thế hệ thứ 11 với tên mã Rocket Lake-S, Intel vẫn tiếp tục sử dụng quy trình 14nm cho thế hệ vi xử lý mới này. Nhưng thay vì chỉ làm mới, cải tiến kiến trúc cũ, Intel đã dựa trên kiến trúc Ice Lake 10nm dành cho máy tính xách tay làm bàn đạp và đóng gói thiết kế này trong quy trình 14nm nhằm có được hiệu suất cần thiết cho dòng máy tính để bàn hiệu suất cao. Để làm được điều này, Intel đã sử dụng một phương thức được biết đến như là một “backport”.
Dòng vi xử lý Ice Lake 10nm của Intel dựa trên thiết kế lõi Sunny Cove. Intel đã sử dụng lõi này để sử dụng cho các bộ xử lý Rocket Lake và bởi vì nó nằm trên một quy trình hoàn toàn khác biệt và mang một số thay đổi nhỏ về thiết kế do đó Intel đã gọi chúng là lõi Cypress Cove cho thế hệ Rocket Lake.
Lý do đằng sau của việc này là bởi vì thiết kế một quy trình đóng gói và thiết kế nó trong khoản thời gian ngắn là một công việc không mấy dễ dàng gì, đặc biệt trong trường hợp này nó lại mang một ý nghĩa của sự thụt lùi (từ 10nm trở về 14nm) – bóng bán dẫn lớn hơn, có nghĩa là khối logic lớn hơn và tất cả công việc liên quan đến đường dẫn tín hiệu và dữ liệu trong silicon phải được làm lại. Ngay cả khi làm lại, tính toàn vẹn của tín hiệu cần được nâng cấp cho khoảng cách xa hơn, hoặc phải triển khai thêm độ trễ đường dẫn và bộ đệm.
Những tiết lộ chính thức của Intel cho đến nay về lõi Cypress Cove mới và Rocket Lake bắt nguồn từ một cuộc họp báo chung vào tháng 10, cũng như một thông báo định hướng sản phẩm tại CES 2021. Intel đã nói rằng Cypress Cove mới mang đến cải tiến về thế hệ lên đến 19% cho mỗi xung nhịp (IPC – instruction per clock) so với các lõi được sử dụng trong Comet Lake, là các biến thể xung nhịp cao hơn của Skylake từ năm 2015. Tuy nhiên, vi kiến trúc cơ bản được quảng cáo là giống hệt với Ice Lake (Sunny Cove) chẳng hạn như bộ nhớ đệm và điện toán.
Quay trở lại với Rocket Lake, đây là tên của toàn bộ dòng vi xử lý bao gồm lõi, đồ họa, kết nối liên kết, các bộ gia tốc và các khối IP khác nhau, mỗi khối cũng có tên mã riêng, với mục đích giúp các kỹ sử hiểu các bộ phận hiểu các bộ phận đang được sử dụng dễ dàng hơn
Cấu hình hệ thống đánh giá:
- Vi xử lý: Intel Core i7-11700K
- Mainboard: GIGABYTE Z590 AORUS TACHYON
- Memory: Kingston HyperX DDR4-3200 16GB (2 x 8GB)
- Storage: Western Digital SN850 1TB
- VGA: GIGABYTE GeForce RTX 3060 Ti Eagle
- PSU: EVGA G2 1000W
Maxon Cinebench
Maxon Cinebech là một bộ công cụ đo điểm hiệu suất CPU thông qua các bài test liên quan đến việc render hình ảnh. Bộ công cụ này có thể đánh giá điểm hiệu suất của CPU ở cả hai phương thức đơn nhân và đa nhân.
- Maxon Cinebench R20
- Maxon Cinebench R23
Như các bạn có thể thấy khi so sánh với vi xử lý thế hệ trước cụ thể là Core i7-10700K cũng là một bộ xử lý 8 nhân 16 luồng thì Core i7-11700K có điểm số hiệu suất đơn nhân lẫn đa nhân vượt trội hơn trong cả hai phiên bản Cinebench R20 và R23.
Corona Benchmark
Corona Benchmark cũng là một phần mềm đánh giá hiệu suất CPU thông qua việc sử dụng CPU để render một khối hình ảnh.
Trong bài test này, Core i7-11700K vẫn cho kết quả tốt hơn khi hoàn tất công việc nhanh hơn Core i7-10700K.
Futuremark PCMark 8
Futuremark PCMark là một bộ ứng dụng đánh giá hiệu suất hệ thống thông qua các bài test liên quan đến tất cả các công việc hằng ngày như tính toán với bảng tính, nạp và tải trang web, xử lý hình ảnh thông qua việc hội đàm video, chơi game….
RealBench
Realbench là một phần mềm đo điểm hệ thống thông qua các bài test kết hợp giữa CPU và GPU. Mỗi bài test giả lập lại những tác vụ thông qua những phần mềm được sử dụng thực tế như GIMP (một phần mềm chỉnh sửa ảnh mạnh mẽ tương tự như A dobe Photoshop) hay LuxMark (một phần mềm kết hợp CPU và GPU để render hình ảnh), Handbrake để chuyển đổi định dạng video.
AIDA Extreme Benchmark
AIDA 64 Extreme là một phần mềm giám sát và theo dõi hệ thống toàn diện từ phần cứng đến phần mềm. Bên trong phần mềm này cũng tích hợp sẳn công cụ đo hiệu suất bộ xử lý thông qua việc tính toán các tập lệnh bên trong cũng như đánh giá hiệu quả giữa bộ điều khiển bộ nhớ trên CPU và bộ nhớ RAM
PudgetSystem Benchmark
- PugetBench for Photoshop
- PugetBench for After Effects
- PugetBench for Premiere Pro
Nhiệt Độ, Công Suất Đỉnh và Ép Xung
Nếu bạn là một người dùng quan tâm và thường xuyên theo dõi những bài viết đánh giá về dòng Rocket Lake, có một vấn đề luôn được nói đến nhiều nhất đó là nhiệt độ. Như chúng ta đều biết cho dù cùng là một lô, cùng một thời điểm xuất xưởng, nhưng bản thân mỗi tấm silicon tạo nên một chip xử lý đều sẽ không giống nhau chí ít là về độ “ăn” điện, nhiệt độ và 2 yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ép xung của một bộ vi xử lý. Đó là lý do mà có những con chip được mệnh danh là CPU “Gold” bởi vì chúng ăn cực kỳ ít điện, tỏa nhiệt rất thấp và dĩ nhiên là ép xung cực ngon.
Thật không may, con chip mà chúng tôi đang đánh giá lại không phải là một con chip “gold” khi mà với con chip này, chúng tôi không thể fulload CPU 100% khi sử dụng tản nhiệt AIO 240mm. Mọi thứ chỉ dễ dàng hơn khi đổi sang một hệ thống tản nhiệt nước custom 360mm tầm trung. Nhưng kể cả ở trường hợp này thì nhiệt độ CPU khi fulload vẫn có thể đạt đến ở mức nhiệt 80 độ. Và công suất đỉnh của con chip này lên đến 200 W.
Tuy nhiên, sau khi tham khảo từ một số người dùng khác, chúng tôi nhận thấy Rocket Lake nói chung hay Core i7-11700K nói riêng vẫn là một phiên bản CPU không quá đơn giản để ép xung. Do đó, để có thể đạt được mức hiệu suất tốt nhất, hãy đảm bảo bạn ban sở hữu những phiên bản tản nhiệt chất lượng cao, có khả năng đáp ứng công suất trên 200w là tốt nhất.
Lời Kết:
Nhìn chung, nếu bạn là một người dùng mới, hay có nhu cầu trải nghiệm những công nghệ mới có trên Rocket Lake như PCIe Gen4 tốc độ cao, trải nghiệm những cải tiến ở dòng vi xử lý thế hệ 11 của Intel. Thì Core i7-11700K vẫn là một con chip lý tưởng đáng để bạn sở hữu nó.
Giữa Core i7-11700K và Core i9-11900K, bạn sẽ chọn phiên bản nào. Chúng tôi xin được đề xuất Core i7-11700K. Bởi vì cùng là một bộ xử lý 8 nhân, chỉ thua thiệt một vài trăm Hz xung nhịp nhưng có mức giá tương đối hợp lý hơn. Core i7-11700K không có được tính năng Thermal Velocity Boost, và cho dù có thì cũng đòi hỏi bạn phải có một chiếc tản nhiệt cực kỳ tốt. Ngoài ra thì Core i7-11700K không thua thiệt điều gì về công nghệ, trang bị. Do đó đây là một con chip đáng để người dùng chơi game, người dùng biên tập sở hữu hơn là Core i9-11900K.