Home Đánh Giá Sản PhẩmPhần Cứng Máy TínhBo mạch chủ - Mainboards [Quick Test] AMD Ryzen Threadripper 1920X trên bo mạch chủ MSI X399 Gaming Pro Carbon AC và block Liquid Direct Touch của nhenhophach

[Quick Test] AMD Ryzen Threadripper 1920X trên bo mạch chủ MSI X399 Gaming Pro Carbon AC và block Liquid Direct Touch của nhenhophach

by Kiet Nguyen

Vào đầu năm, AMD đã giới thiệu Zen, một nền tảng vi kiến trúc hoàn toàn mới với một loạt những cải tiến đột phá và đã nhận được những tín hiệu rất tích cực từ giới công nghệ cũng như người dùng. Vài tháng sau, những bộ vi xử lý đầu tiên dựa trên kiến trúc Zen đã chính thức được bán ra với loạt Ryzen không chỉ đánh vào phân khúc máy tính tầm trung phổ thông mà thậm chí là AMD đã cho thấy tham vọng đánh chiếm thị phần phân khúc máy tính cao cấp vốn dĩ đang được Intel nắm giữ trong suốt một thời gian dài.

Khởi đầu là với ba bộ xử lý Ryzen 7 đều có 8 nhân với công nghệ siêu phân luồng với hiệu suất gần bằng các bộ vi xử lý Intel tương đương nhưng có chi phí thấp hơn rất nhiều. Tiếp theo là bốn bộ vi xử lý Ryzen 5, cạnh tranh các SKU Core i5 cả về giá lẫn hiệu suất khi có số luồng gấp hai gấp ba. Cuối cùng là Ryzen 3 chạm vào phân khúc 3 triệu của loạt Intel Core i3 nhưng có số nhân gấp đôi. Ngay sau đó, chúng ta cũng đã được thấy AMD công bố nền tảng EPYC dành cho thị trường doanh nghiệp, máy chủ/workstation lên đến 32 nhân, hiện cũng đã được gởi đến các đối tác OEM và khách hàng để đánh giá và kiểm định hiệu suất.

Và tiếp tục thành công của loạt Ryzen, AMD lại tiếp tục cho ra mắt loạt vi xử lý Ryzen Threadripper, có thiết kế tương tự các bộ xử lý AMD EPYC nhưng được hướng đến thị trường tiêu dùng với ba phiên bản 1950X 16 nhân, 1920X 12 nhân và 1900X 8 nhân . Hiện trên thị trường đang có hai phiên bản đang được bày bán đó là 1950X và 1920X riêng 1900X hiện chỉ được bán tại một số thị trường nhất định. Các SKU này được thiết kế để chạy trên một nền tảng socket dạng LGA bao gồm 4094 chân tiếp xúc với tên gọi TR4. Socket này giống hệt như socket được xử dụng cho các SKU EPYC nhưng không thể hoán đổi nền tảng để hoạt động, một bước tiến lớn so với loạt socket PGA AM4 1131 chân đang được sử dụng cho loạt Ryzen.

[table id=11 /]

Nếu như thị trường máy tính cao cấp (HEDT) là mục tiêu mà Ryzen 7 hướng đến thì Threadripper được thiết kế để nằm ở một phân khúc cao hơn, thị trường của các siêu máy tính cao cấp (SHED). Những con số về số lượng nhân mà AMD trang bị cho Threadripper chỉ có thể tìm thấy trên các nền tảng Xeon của Intel. Với việc đưa một loạt các yếu tố mới (dù không phải mới vs Intel) như số lượng nhân vượt trội, về IPC, về xung nhịp và về mức năng lượng tiêu thu, AMD thực sự đang làm cho cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả người bán hàng tỏ ra khá lúng túng. Và để đáp trả, Intel đã tung ra loạt Skylake-X Core i9 cao cấp với số lượng nhân lần lượt từ 12 cho đến 18 nhân. Và mới đây, Intel cũng đã phải gấp gút tung ra loạt Coffee Lake như là câu trả lời dành cho loạt Ryzen 3,5,7 đồng thời biến Kaby Lake trở thành thế hệ vi xử lý có dòng đời ngắn ngủi nhất từ trước đến nay của Intel.

Một CPU to cần một socket lớn và một nền tảng mạnh mẽ

Tương tự như những con chip khổng lồ của Intel, AMD muốn hướng Threadripper đến tay những ai muốn làm tất cả mọi thứ có thể trong một hệ thống. Đối với người dùng gia đình, là có thể sử dụng để chơi game trong khi streaming, là lưu trữ như một máy chủ game và tất cả những thứ khác. Đối với người dùng chuyên nghiệp, nó có thể được sử dụng để biên tập/chỉnh sửa nội dung thông qua việc kết hợp giữa GPU/FPGA với các giao thức lưu trữ nhanh và mạng mạnh. Ý tưởng ở đây là, nếu người dùng muốn làm một cái gì đó, họ có thể sử dụng hệ thống của họ để làm những việc khác nhau cùng một lúc với CPU, với các khe cắm PCIe, bộ nhớ và DRAM đủ để cung cấp sức mạnh cho tất cả. Threadripper là một biến thể của một máy chủ nhưng ở một cấp độ thấp hơn.

Cũng như nền tảng HEDT của Intel, khi ra mắt Threadripper, AMD cũng đã giới thiệu nền tảng X399 để có thể đáp ứng hết những đòi hỏi của Threadripper. Socket TR4 lớn hơn, hỗ trợ bố kênh bộ nhớ với hai khe cắm DIMM cho mỗi kênh, cùng với 60 lanes PCIe cho việc bổ sung các loại card rời như card màn hình, card mạng, SSD…)

Socket mới hoàn toàn khác với những socket mà AMD đã sử dụng trước đây như thay vì sử dụng dạng chân cắm FPGA cùng một chốt gài tạo ra một lực vừa đủ để giữ chặc CPU trên đó, socket TR4 sử dụng ba con ốc Torx và cần phải được mở/đóng theo thứ tự và sau đó là một khay đặt CPU sẽ được mở ra. Tất cả các CPU Threadripper đều được trang bị kèm một khay nhựa mỏng hỗ trợ cho việc tháo lắp CPU lên socket đơn giản hơn, tránh được trường hợp tuột tay hoặc các tác động có thể làm cong chân trên socket.

Và cũng bởi vì socket và CPU cũng khác thường, các lỗ bắt ốc của tản nhiệt cũng khác. Với chỉ số TDP định danh lên đến 180W cho các CPU, AMD khuyến nghị sử dụng các hệ thống làm mát bằng chất lỏng. Một đều cần lưu ý là kích thước lỗ ốc bắt tản nhiệt mà AMD sử dụng hoàn toàn khác với đơn vị tiêu chuẩn mà chúng ta đang sử dụng. Thực tế là khi chúng tôi sử dụng các loại ốc 3.5mm phổ biến đang sử dụng trên những nền tảng khác ngay cả AM4 lại không thể sử dụng được trên bo mạch chủ X399. Thật may là AMD đã trang bị kèm một CPU bracket của Asetek do đó bạn có thể tận dụng và tái sử dụng 4 con ốc này.

Quay trở lại với nền tảng X399, AMD đã đưa ra đề xuất cấu hình 48 lanes PCIe từ CPU đến các khe cắm PCI e cho việc cấu hình SLI/CFX 4-way, 12 lanes từ CPU đến 3 khe cắm M.2 và 4 lanes đi đến chipset. Chipset cũng sẽ quản lý một số thiết bị như 2 card mạng Gigabit, một khe cắm PCIe x4, một PCIe x1 và một PCIe x1 cho WiFi, các cổng SATA, USB3.1 Gen1/Gen2 và USB2.0.

Related Articles

Leave a Comment